Ngân hàng công bố lãi lớn

Trong mùa báo cáo tài chính quý 3/2022, phần lớn các ngân hàng thương mại đều công bố lãi lớn so với cùng kỳ 2021.

Trong mùa báo cáo tài chính quý 3/2022, phần lớn các ngân hàng thương mại đều công bố lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ 2021. Ở một khía cạnh khác, nợ xấu trong 9 tháng đầu năm của hầu hết các ngân hàng cũng bắt đầu tăng nhanh.

Cụ thể tại LienVietPostBank có kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận nhà băng này đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm và vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu tại ngân hàng này tại thời điểm 30/9/2022 tăng hơn 11%, từ 2.863 tỷ đồng lên 3.190 tỷ đồng do nợ có khả năng mất vốn tăng 35% lên 1.808 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 1,37% lên 1,4%.

Ngân hàng công bố lãi lớn - Ảnh 1

Một ngân hàng quy mô lớn như ACB cũng trong tình trạng tương tự. Kết thúc 9 tháng đầu năm, ACB báo lãi sau thuế hơn 10.817 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước nhờ được hoàn nhập dự phòng gần 180 tỷ đồng. Ở một diễn biến khác, tổng nợ xấu của ACB tăng 45% so với đầu năm, chiếm 4.056 tỷ đồng. Có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ sang nợ có khả năng mất vốn. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,78% đầu năm lên 1,02%.

Tương tự tại TPBank, 9 tháng đầu năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 26%, chỉ còn trích hơn 1.729 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 5.926 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi dự thu tại nhà băng này tăng tới 54% so với đầu năm. Lợi nhuận tăng nhưng tổng nợ xấu tại TPBank tính đến ngày 30/09/2022 tăng 23% so với đầu năm, ghi nhận gần 1.426 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn gấp 2,2 lần, chiếm 666 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,82% hồi đầu năm lên 0,91%.

Ngân hàng quy mô nhỏ như Saigonbank cũng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng trưởng tốt. Theo đó, 9 tháng qua, Saigonbank dành ra gần 202 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, cao gấp 4,7 lần cùng kỳ, do đó Ngân hàng thu được hơn 236 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21%. Đáng chú ý, lãi dự thu tại nhà băng này tính đến 30/9/2022 tăng 19% so với đầu năm, lên gần 307 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022, Saigonbank đã vượt 24% chỉ tiêu sau 9 tháng.

Song song với lợi nhuận, nợ xấu ngân hàng này cũng tăng đến 20% so với đầu năm, lên mức hơn 391 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 19% lên 127 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 43% lên 253 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,97% hồi  năm lên 2,13%.

Ngân hàng công bố lãi lớn - Ảnh 2

Tương tự như PGBank, lãi trước thuế 9 tháng đạt hơn 387 tỷ đồng, tăng 42% dù Ngân hàng đã trích lập dự phòng gần 220 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chất lượng nợ vay tại PGBank đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 30/09/2022 tăng 17% so với đầu năm, lên mức 813 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn dịch chuyển sang nợ có khả năng mất vốn. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,52% lên 2,98%.

Số nợ xấu tăng lên nhưng phần lớn các ngân hàng thương mại cũng công bố lãi tăng. Thông thường, trong trường hợp này người ta sẽ nghĩ đến khoản mục “lãi dự thu” hoặc “chi phí dự phòng rủi ro”.

Bởi lẽ, với một món vay không thể đòi được nhưng ngân hàng vẫn có thể hạch toán vào sổ, vẫn ghi lãi dưới hình thức dự thu, tức tăng lợi nhuận trực tiếp. Hoặc giảm chi phí dự phòng rủi ro để ít bị khấu trừ lợi nhuận.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ