Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất tiếp tục tăng; Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở

Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: NHNN nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND lên 5%; Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở; Dự kiến kiểm toán nhà nước 5 tổ chức tài chính, ngân hàng trong năm 2023; Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động;...

Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động

Tuần qua, tin ngân hàng đáng quan tâm là vấn đề lãi suất huy động tại nhiều nhà băng tiếp tục được đẩy lên cao.

Theo đó, từ ngày 17/10/2022, ngân hàng SHB đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, tăng lãi suất thêm 0,7-1%/năm ở nhiều kỳ hạn. Ngân hàng cũng triển khai lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất của nhà băng này đã là 7,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 36 tháng trở lên, tăng 0,8%/năm so với trước,… Ngoài ra, SHB cũng mới triển khai mức lãi suất mới dành cho sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc. Cụ thể, khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 năm sẽ có lãi suất tới 8,6%/năm và kỳ hạn 8 năm lãi suất 8,8%/năm.

Ngày 18/10, DongABank cũng triển khai biểu lãi suất mới trên toàn hệ thống. Theo niêm yết, lãi suất kỳ hạn 13 tháng là 7,8%/năm. Tuy nhiên, khách hàng gửi từ 10 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất 0,38%-0,7%/năm.

Cụ thể, khách hàng gửi 13 tháng tại DongABank số tiền từ 10 triệu đồng đến nhỏ hơn 100 triệu đồng sẽ có lãi suất 8,18%/năm. Gửi từ 1 tỷ đến nhỏ hơn 500 tỷ có lãi suất 8,24%/năm và gửi từu 500 tỷ trở lên có lãi suất 8,5%/năm.

Tại Saigonbank, theo biểu lãi suất mới từ ngày 17/10, ngân hàng có lãi suất cao nhất là 7,8%/năm dành cho khách hàng gửi online kỳ hạn 13 tháng trở lên. Ngân hàng cũng tăng thêm 0,8-1%/năm cho nhiều kỳ hạn khác, đẩy lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 7,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng lên 7,5%/năm,…

Tại VPBank, ngân hàng cũng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi trong tuần này. Hiện khách hàng gửi kỳ hạn 24, 36 tháng sẽ có lãi suất 7,7% - 8% - 8,2% - 8,3% tương ứng với các mốc 300 triệu đồng – 3 tỷ đồng- 10 tỷ đồng. Mức lãi suất này đã cao hơn tuần trước khoảng 0,3 điểm – 0,4 điểm %.

Tương tự, VPBank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 0,3 điểm % lên 7,3-8,1%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cũng đã tăng lên 6,9-7,7%/năm.

Hôm 20/10, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) thông báo điều chỉnh lãi suất tăng thêm 0,2%/năm cho khách hàng nữ gửi tiết kiêm tại quầy và kênh online nhân ngày 20-21/10. Cụ thể, mức lãi suất ưu đãi là 8,4% tại kỳ hạn 6 tháng và 8,6% với kỳ hạn 12 tháng, áp dụng khi gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có BaoViet Bank, PGBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong ngày 20/10 vừa qua.

Tăng vốn từ ngân sách nhà nước của Agribank là không khả thi

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất tiếp tục tăng; Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở - Ảnh 1

Một trong những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến việc tăng vốn tại Agribank.

Theo báo cáo về công tác năm 2022 của kiểm toán Nhà nước, mục tiêu tăng vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chưa đạt được do xây dựng mục tiêu không khả thi mặc dù đã có khuyến nghị từ Ngân hàng nhà nước (NHNN).

Theo đó, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại Agribank không đạt được một số mục tiêu liên quan của Phương án cơ cấu lại như tỷ lệ thu nhập phi tín dụng, mục tiêu khách hàng và thị phần, mục tiêu tăng trưởng tín dụng gắn liền với chất lượng tín dụng.

Theo báo cáo, Agribank đưa ra mục tiêu “vốn điều lệ tăng trên 5.000 tỷ đồng/năm”, NHNN đã có ý kiến tại mục IV.2, văn bản số 2088/TTGSNH4.m rằng “cần xem lại cơ sở để đưa ra kế hoạch tăng vốn bình quân hàng năm là 5.000 tỷ đồng vì hiện nay tăng vốn từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN) là rất khó khăn và không khả thi”.

Ngoài ra NHNN cũng có ý kiến tại mục IV.3 “Ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng vốn điều lệ bình quân là 5.000 tỷ đồng/năm, tuy nhiên nguồn tăng chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp. Hiện tại việc tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước là rất khó khăn và không khả thi. Do đó ngân hàng cần chủ động xây dựng các giải pháp khác hoặc điều chỉnh tăng vốn cho phù hợp”.

Tuy nhiên khi chỉnh sửa Phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt Agribank vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng vốn điều lệ hàng năm là 5.000 tỷ đồng và chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để đánh giá tính khả thi của việc đạt được mục tiêu.

Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND lên 5%

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất tiếp tục tăng; Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở - Ảnh 2

Tuần qua, NHNN phát đi thông cáo về việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Đây là một trong những tin ngân hàng nổi bật nhất tuần qua.

Theo đó, để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các TCTD được phép.

Cụ thể, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở

NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Theo nội dung thông tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng thương mại sẽ căn cứ các quy định, xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định với dự án đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai (quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản).

Thông tư cũng quy định số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua, theo quy định tại Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất tiếp tục tăng; Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở - Ảnh 3

Một số nội dung đáng chú ý khác liên quan đến việc bảo lãnh được quy định trong Thông tư 11 bao gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có); trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.

Thông tư 11/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2023.

Dự kiến kiểm toán 5 tổ chức tài chính, ngân hàng trong năm 2023

Tại báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, bao gồm Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty thà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, KTNN cho biết sẽ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nuớc năm 2022  kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

KTNN cũng sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ. 

Danh sách kiểm toán bao gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank), Tập đoàn Bảo Việt.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Trong đó, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động...

Top 10 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất xuất hiện 5 ngân hàng

Mức nộp thuế TNDN là tổng số tiền thuế TNDN đã nộp NSNN (Ngân sách Nhà nước) trong năm 2021. Doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc (được cấp mã số thuế đơn vị trực thuộc 13 số) bao gồm số tiền thuế TNDN đã nộp của trụ sở chính và các chi nhánh, đơn vị trực thuộc.

Top 10 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất có sự xuất hiện của 5 đại diện ngành ngân hàng là Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank, Agribank.

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Lãi suất tiếp tục tăng; Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng cho dự án nhà ở - Ảnh 4

Trong đó, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu trong các ngân hàng với số thuế TNDN công ty mẹ đã nộp năm 2021 là 5.700 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách công ty mẹ là 7.500 tỷ đồng. Mức nộp thuế TNDN của Vietcombank chỉ đứng sau Tập đoàn công nghệ - Viễn thông quân đội (Viettel) trong năm 2021.

Techcombank năm ngoái đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách V1000 nhưng năm nay tăng mạnh thứ hạng lên vị trí thứ 4 và vượt qua VietinBank về số thuế TNDN công ty mẹ. VPBank cũng gây bất ngờ khi "nhảy vọt" từ vị trí thứ 21 lên vị trí thứ 8 trong danh sách V1000 năm nay.

 

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ