Ngân hàng đón làn sóng cổ đông ngoại

Nhiều ngân hàng tiếp tục lên phương án bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao tiềm lực. Thời kinh tế khó khăn, dự báo dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào ngân hàng Việt trong thời gian tới.

Những kế hoạch mới

Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (HoSE: LPB) vừa thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu tương đương 3.000 tỷ đồng mệnh giá cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 15,5%. Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) từng tiết lộ sau khi hoàn thành tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2023, nhà băng này dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho 2 đối tác ngoại.

Tại đại hội đồng cổ đông 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB), ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT, chia sẻ việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài là mục tiêu lớn của SHB trong năm nay. Trước đó, Ngân hàng Krungsri (Thái Lan) tiết lộ sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái (tương đương 156 triệu USD) để mua lại SHB Finance. Đây sẽ là thương vụ có quy mô lớn thứ hai trong ngành tài chính Việt Nam trong 2023.

Thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay là thương vụ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) bán thành công 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật, với giá 35.900 tỷ đồng. Khoản đầu tư này giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống. Thương vụ này cũng phá vỡ kỷ lục mà chính VPB tạo ra trước đó khi bán 49% vốn của FE Credit (công ty con của VPB) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (một thành viên của SMBC) với giá trị gần 1,4 tỷ USD.

SMBC từng là cổ đông chiến lược tại Eximbank (HoSE: EIB) từ năm 2007 với tỷ lệ sở hữu 15%. Để thoát khỏi cuộc tranh giành giữa các nhóm cổ đông tại EIB kéo dài hàng thập kỷ, SMBC đã quyết định rút lui, sau khi bán hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào 13/1/2023 và giảm tỷ lệ sở hữu vốn xuống dưới 5%.

Trước đó, năm 2022, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) và Aozora Bank (Nhật Bản) đã hoàn tất thương vụ đầu tư mua 15% cổ phần của ngân hàng này. Thương vụ trên giúp OCB tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng, đồng thời thiết lập mức định giá hơn 1 tỷ USD.

Được ví là cổ phiếu “vua” nên nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất tích cực mua và nắm giữ. Dù không còn “nóng” trên thị trường chứng khoán nhưng lĩnh vực ngân hàng vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thu hút vốn ngoại đã giúp tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều ngân hàng hiện chạm ngưỡng tối đa 30%. Hiện nhiều ngân hàng đã hết “room” ngoại nên kỳ vọng được nới thêm. Đây là những ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và có khả năng sinh lời hàng đầu hệ thống.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại lựa chọn phương án khóa “room” ngoại làm “của để dành”, tạo dư địa cho huy động vốn, đồng thời nhằm giảm bớt ảnh hưởng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đối với giá cổ phiếu và cấu trúc cổ đông như Ngân hàng Bản Việt (UPCoM: BVB) (5%). Còn một số khác, như Quốc Dân (HNX: NVB), SHB dù mở room ngoại ở mức tối đa 30% vốn điều lệ, song tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ lần lượt là 8,87% và 6,08% vốn điều lệ.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy tính đến ngày 15/2, có 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, một số ngân hàng đã hết hoặc gần hết room ngoại là Á Châu (HoSE: ACB), MSB (HoSE: MSB), TPBank (HoSE: TPB), Sacombank (HoSE: STB), An Bình (UPCoM: ABB), VPB; một số ngân hàng khác duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định là 30% như OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%), VIB (20,5%).

Sức hấp dẫn của dòng vốn ngoại

Mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng cũng tăng vốn bằng nội lực thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, nói không với cổ tức tiền mặt. Nhưng nội lực khó gánh được nhu cầu tăng vốn lớn và liên tục của các ngân hàng. Trong khi đó, nếu mời gọi được nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng sẽ được bổ sung khoản vốn rất lớn đầu tư lâu dài. Nếu tăng vốn bằng chia cổ tức phải mất vài năm trong khi việc bắt tay với nhà đầu tư ngoại lập tức mang lại nguồn vốn lớn.

Ngân hàng đón làn sóng cổ đông ngoại - Ảnh 1

Hồi tháng 3/2022, VPB đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Việc điều chỉnh “room” ngoại lên 17,5% là đủ để VPB có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành. Cuối năm 2022,  Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) đã lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% lên 30%.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của ngân hàng Việt. Các chuyên gia dự báo dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường ngân hàng Việt trong thời gian tới. Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN, luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam.

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody’s đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng thương mại của Việt Nam. Theo Moody’s, việc nâng xếp hạng này phần nào phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm, đồng thời cho thấy khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài cũng được cải thiện và các chính sách cũng được đánh giá là hiệu quả hơn. Việc ngân hàng Việt được nâng hạng trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn sẽ giúp các ngân hàng Việt thu hút được sự quan tâm đầu tư, của các tổ chức tài chính quốc tế.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ xem xét quyết định cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém được mở “room” ngoại lên đến 49%, dấy lên hy vọng về cơ hội ngân hàng nội huy động được vốn ngoại.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng là cần thiết.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường - Chứng khoán KB, đánh giá: “Khi được tăng room, ngân hàng sẽ có điều kiện dễ dàng huy động vốn nước ngoài, giúp cải thiện bộ đệm an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động, cũng như tăng cường chỉ tiêu an toàn vốn, giảm thiểu rủi ro hoạt động”.

Hà Hạnh

Theo VietnamFinance