Ngân hàng dồn sức tăng vốn, người dân đổ tiền về nhà băng

Ngân hàng dồn sức tăng vốn điều lệ; tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh... là thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng dồn sức tăng vốn điều lệ

Nhiều ngân hàng nỗ lực tăng vốn điều lệ. Đây là yêu cầu tất yếu mà còn là chiến lược phát triển bền vững, thước đo về năng lực quản trị của ngân hàng.

Sự gia tăng cạnh tranh trong ngành ngân hàng, đặc biệt trên ba lĩnh vực then chốt (gồm chuyển đổi số, dịch vụ tài chính tích hợp và tài chính xanh), đòi hỏi các ngân hàng phải có nguồn vốn lớn cho các khoản đầu tư dài hạn.

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng mạnh

Tiền gửi của khách hàng cá nhân vào ngân hàng trong tháng 2 tăng thêm 178.000 tỷ đồng, nâng tổng mức gửi tiền trong 2 tháng đầu năm lên 301.000 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, diễn biến trên phản ánh xu hướng dòng tiền trong nền kinh tế, khi người dân có xu hướng gửi tiết kiệm nhiều hơn khi lãi suất đi lên, trong khi nhiều doanh nghiệp có thể đang rút tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào các kênh sinh lời khác.

Thống đốc trình Quốc hội luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của ngân hàng

Sáng 20/5, NHNN đã trình Quốc hội dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó điểm nhấn đáng chú ý là đề xuất đưa vào luật quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng – một bước đi được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt lâu nay trong xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo là đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt.

Nỗi lo nợ xấu phình to khi tín dụng bất động sản tăng nhanh

Dư nợ tín dụng bất động sản tăng nhanh kèm theo là những e ngại về rủi ro nợ xấu. Bởi trong khi tín dụng BĐS tăng nhanh thì nợ xấu cũng tăng cao, cho thấy rủi ro tín dụng đang lan rộng trong hệ thống.

Điều này đặt ra yêu cầu phải sớm hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế xử lý nợ xấu một cách bài bản, bền vững.

Ông Trần Hùng Huy sắp nhận về số tiền khủng từ Ngân hàng ACB

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã chứng khoán ACB) dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 26/5/2025 để trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Ông Trần Hùng Huy sắp nhận về số tiền khủng từ Ngân hàng ACB  
Ông Trần Hùng Huy sắp nhận về số tiền khủng từ Ngân hàng ACB  

Với việc sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu ACB, Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy sẽ được nhận hơn 153 tỷ đồng tiền mặt (chưa khấu trừ thuế) và gần 23 triệu cổ phiếu mới.

Gia đình bầu Hiển sắp nhận về số tiền khủng từ SHB

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa thông báo ngày 10/6 tới đây là ngày chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng).

Theo đó, gia đình của Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) có thể được nhận hơn 171 tỷ đồng cổ tức tiền mặt trong đợt chi trả sắp tới của ngân hàng này.

Một quỹ đầu tư Malaysia nắm trên 1% vốn ACB

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ, tính đến ngày 21/5.

Đáng chú ý, cái tên mới xuất hiện trong danh sách là cổ đông tổ chức Employees Provident Fund Board (EPF) từ Malaysia. Cụ thể, EPF hiện nắm giữ hơn 45,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,021% vốn điều lệ ngân hàng này.

Ông Nguyễn Thanh Nhung làm Quyền Tổng giám đốc Sacombank

Sau khi bà Nguyễn Đức Thạch Diễm từ nhiệm, HĐQT Sacombank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nhung làm Quyền Tổng giám đốc nhằm đảm bảo hoạt động của ngân hàng được xuyên suốt, ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Nhung được bổ nhiệm Quyền Tổng giám đốc Sacombank.  
Ông Nguyễn Thanh Nhung được bổ nhiệm Quyền Tổng giám đốc Sacombank.  

Trước đó, vào ngày 21/5, bà Diễm bất ngờ thông báo từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sacombank sau gần 8 năm điều hành. Gần 8 năm dưới quyền điều hành của bà Diễm, Sacombank đã có sự lội ngược dòng ngoạn mục khi các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.

Tài khoản DN bị dừng giao dịch sau 1/7 nếu không cập nhật sinh trắc học

Theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN, người đại diện hợp pháp của tổ chức phải cập nhật thông tin sinh trắc học trước ngày 1/7/2025.

Sau thời gian trên nếu khách hàng chưa cập nhật, ngân hàng phải tạm dừng giao dịch chuyển tiền, rút tiền trên dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tổ chức.

Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng có thể bị phạt 200 triệu

Theo dự thảo (lần 3) Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các vi phạm liên quan đến tài khoản ngân hàng sẽ bị phạt nặng.

Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng dưới 10 tài khoản có thể bị phạt tới 80 triệu đồng. Mức phạt này tăng lên 100-200 triệu đồng nếu trên 10 tài khoản.

Mua, bán ngoại tệ trái phép có thể bị phạt tới 100 triệu

Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hay giao dịch tại các tổ chức không phép có giá trị từ 100.000 USD trở lên có thể bị xử phạt tới 100 triệu đồng.

Đây là một trong những mức phạt được NHNN đề xuất tại Dự thảo (lần 3) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đang được lấy ý kiến. Việc mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau là một trong những hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối.

Một 'ông lớn' big4 ngân hàng đóng cửa loạt phòng giao dịch

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) vừa thông báo chấm dứt một loạt phòng giao dịch (PGD) nằm rải rác tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Gia Lai, Huế.

Trước đó, vào cuối tháng 3, ngân hàng cũng có thông báo chấm dứt hoạt động 25 PGD tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP.HCM, Phú Thọ. So với cuối năm 2024, số phòng giao dịch của nhà băng này đã giảm tới 10 phòng giao dịch.

Sắp thanh toán vé tàu điện qua thẻ ngân hàng

Hà Nội dự kiến khai trương hệ thống thẻ vé liên thông trên các tuyến metro, tích hợp thanh toán qua VNeID, thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán quốc tế.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết tại tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/5.

Minh Anh

Theo VietnamFinance