Ngân hàng MB: Lợi nhuận năm 2022 vượt kế hoạch
Trong năm 2022, ngân hàng MB lãi 22.729 tỷ đồng trước thuế, tăng 37,5% so với năm trước. Đặc biệt, MB cấp tín dụng khá lớn cho hoạt động kinh doanh bất động sản, với gần 21.358 tỷ đồng, tăng tới 69% so với năm 2021.
Trong năm 2022, ngân hàng MB lãi 22.729 tỷ đồng trước thuế, tăng 37,5% so với năm trước. Đặc biệt, MB cấp tín dụng khá lớn cho hoạt động kinh doanh bất động sản, với gần 21.358 tỷ đồng, tăng tới 69% so với năm 2021.
Lợi nhuận ngân hàng MB vượt kế hoạch năm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã: MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 4 tăng trưởng âm 2,3% so với cùng kỳ năm trước đạt 4.537 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.600 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2021.
Trong quý 4/2022, ngoài thu nhập lãi thuần mang về hơn 9.629 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021 thì các mảng hoạt động khác của ngân hàng MB đều ghi nhận sụt giảm. Cụ thể lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 9%, đạt gần 1.224 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 13% còn hơn 363 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 90% xuống còn hơn 5 tỷ đồng; lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 60% mang về hơn 72 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 50% chỉ còn hơn 451 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro trong quý 4/2022 tăng tới 78% so với cùng kỳ, lên mức 3.585 tỷ đồng cũng là lý do khiến lợi nhuận quý 4 tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, tính chung cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng MB đạt 22.729 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 18.155 tỷ đồng, đều tăng 37% so với năm 2021. Nếu so với kế hoạch 20.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, ngân hàng MB đã hoàn thành 111,8%.
Lợi nhuận cả năm 2022 tại ngân hàng MB tăng trưởng do nguồn thu từ thu nhập lãi thuần đạt 36.023 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2021. Hơn nữa, chi phí dự phòng rủi ro chỉ tăng nhẹ 0,2% so với năm 2021, ở mức gần 8.048 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.
Cấp tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng 69%
Bên cạnh con số lợi nhuận tăng mạnh, lãi và phí phải thu (lãi dự thu), nợ xấu của nhà băng này cũng tăng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến 31/12/2022, lãi dự thu tại MB tăng 48% so với cuối năm 2021, tương đương tăng thêm 2.197 tỷ đồng, từ 4.599 tỷ đồng lên 6.786 tỷ đồng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận ngân hàng càng cao.
Ngoài ra, số dư nợ xấu của MB tính đến 31/12/2022 tăng 54% so với cuối năm 2021, lên 5.030 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng). Vì vậy, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.
Năm 2022, cùng với sự tăng số lượng cán bộ nhân viên từ 15.178 lên 16.136 người, thu nhập bình quân tháng của nhân viên ngân hàng cũng được tăng từ 31,6 triệu đồng năm trước lên 35,2 triệu đồng, tương đương tăng 11,4%.
Đáng chú ý, trong năm 2022, ngân hàng MB cấp tín dụng khá lớn cho hoạt động kinh doanh bất động sản với gần 21.358 tỷ đồng, tăng tới 69% so với năm 2021 và chiếm 5% nguồn vốn cho vay của ngân hàng này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 là xấp xỉ 700.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.