Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 52,5 ngàn tỷ đồng
Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 52,5 ngàn tỷ đồng, chủ yếu đến từ khối lượng lớn tín phiếu đáo hạn 83,6 ngàn tỷ đồng.
Tuần qua 13/3 - 17/3, thanh khoản trên hệ thống ổn định và tâm điểm là Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành cũng như lãi suất trên hoạt động thị trường mở. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, với mức giảm 100 điểm cơ bản (bps) cho lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.
Bên cạnh là giảm 50 bps đối với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND cho một số ngành ưu tiên và lãi suất đấu thầu trên kênh mua kỳ hạn (hoạt động thị trường mở).
Về quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong tuần qua, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá đây là giải pháp tiếp theo từ phía Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, với mục tiêu có thể giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường.
Xuyên suốt tuần, nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng với khối lượng khá hạn chế, trong đó Ngân hàng Nhà nước đã không phát hành khối lượng mới nào trên kênh bán tín phiếu sau hơn 1 tháng được sử dụng liên tục. Trên kênh cầm cố, chỉ có 3,1 ngàn tỷ đồng được phát hành, trong đó chủ yếu trong những phiên đầu tuần với lãi suất 6% và kỳ hạn 7 ngày (tổng 2,1 ngàn tỷ đồng).
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đảo chiều bơm ròng gần 52,5 ngàn tỷ đồng, chủ yếu đến từ khối lượng lớn tín phiếu đáo hạn (83,6 ngàn tỷ đồng). Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 110,7 ngàn tỷ đồng và trên kênh cầm cố là 3,1 ngàn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn giảm mạnh và kết tuần ghi nhận tại 3,5% (-270 bps) ở kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đảo chiều sang trạng thái âm.
Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước, khi gần như toàn bộ khối lượng gọi thầu được phát hành thành công, ngoại trừ kỳ hạn 5 năm (phát hành 700 tỷ đồng trên tổng số 750 tỷ đồng gọi thầu).
Lợi suất trúng thầu giảm mạnh ở kỳ hạn 10 và 15 năm, ở mức 4,02% (-12 bps) cho kỳ hạn 10 năm và 4,20% (-16 bps) cho kỳ hạn 15 năm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 84,4 ngàn tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch phát hành quý 1 và 21% kế hoạch năm 2023.
Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng như tương đồng với lợi suất trái phiếu Chính phủ trong khu vực.
Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (3,60%; -21 bps), 3 năm (3,63%; -21 bps); 5 năm (3,66%; -22 bps); 10 năm (3,91%, -41 bps); 15 năm (4,04%; -39 bps); 20 năm (4,66%; -13 bps) và 30 năm (4,78%; -16 bps).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 4,9 ngàn tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ 4% so với tuần trước đó, tuy nhiên giao dịch Repos giảm khá mạnh (-60%). Khối ngoại mua ròng tích cực sau động thái của Ngân hàng Nhà nước và kết tuần mua ròng 318 tỷ đồng.