Ngân hàng SCB đã đóng cửa bao nhiêu phòng giao dịch?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo chấm dứt hoạt động của Phòng Giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Chi nhánh Bến Thành (TP.HCM). Kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, SCB đã đóng cửa 53 phòng giao dịch.

Phòng Giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Chi nhánh Bến Thành tại địa chỉ số 225 Bis Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM đã chấm dứt hoạt động (giải thể) kể từ ngày 23/2.

Phòng Giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa là phòng giao dịch thứ 6 bị đóng cửa trong năm 2024.

SCB khẳng định mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.

Ngân hàng SCB có vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng. SCB từng có thời điểm sở hữu tới 239 điểm giao dịch trên cả nước.

Trước thời điểm bị kiểm soát đặc biệt, tháng 10/2022, SCB có một hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch.

Gần đây, SCB liên tiếp công bố chấm dứt hoạt động nhiều phòng giao dịch trên cả nước.

Vào đầu tháng 1/2024, SCB đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Trong tháng 10 và 11 năm 2023, ngân hàng này cũng đã chấm dứt hoạt động 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP.HCM và Hà Nội.

Theo thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 53 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP.HCM (33 phòng giao dịch), Hà Nội (7 phòng giao dịch), Đà Nẵng (5 phòng giao dịch), Gia Lai (1 phòng giao dịch), Long An (1 phòng giao dịch), Hải Phòng (1 phòng giao dịch), Nghệ An (1 phòng giao dịch), Bình Định (1 phòng giao dịch), Đồng Nai (1 phòng giao dịch), Vũng Tàu (1 phòng giao dịch), An Giang (1 phòng giao dịch).

Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.

SCB vốn là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn sau khi hợp nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) vào năm 2012. Ở thời điểm đỉnh cao, SCB có hoạt động tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhưng việc nhóm cổ đông Vạn Thịnh Phát, đứng đầu là bà Trương Mỹ Lan, nắm cổ phần thao túng ngân hàng này trong nhiều năm đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng trong cho vay, khiến SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ năm 2022. 

Mai Anh

Theo VietnamFinance