Ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm: Một góc nhìn khác

Việc thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi cho tổ chức tín dụng (TCTD) mà để đảm bảo quyền lợi chung, quyền lợi của xã hội.

Chây ì, không trả nợ: Thói quen cần loại bỏ

Thời điểm năm 2021, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khá nhiều về vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm của các TCTD. Tiêu biểu là câu chuyện tại Techcombank. Ngân hàng thông tin, theo Hợp đồng tín dụng của ông Nguyễn Văn Minh và bà Đỗ Thị Bằng đã được ký kết, tính đến ngày 17/5/2021, khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ quá hạn 2.886 ngày (gần 8 năm).

Kể từ khi phát sinh nợ quá hạn, Techcombank đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông Nguyễn Văn Minh và bà Đỗ Thị Bằng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, song khách hàng không thực hiện. Căn cứ Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp đã ký kết, Techcombank đã tiến hành các thủ tục và triển khai thu giữ tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp tương tự là TPBank, ngân hàng này cho biết tính đến ngày 15/10/2021, Công ty Anh Tuấn Phát đã phát sinh nợ quá hạn là 232 ngày, toàn bộ nợ của doanh nghiệp này đã chuyển sang nợ xấu. TPBank đã nhiều lần thuyết phục, gửi đề xuất, phương án để xử lý các khoản nợ quá hạn với Công ty Anh Tuấn Phát, nhưng doanh nghiệp không hợp tác. Do đó, TPBank đã thực hiện việc thu giữ tài sản thế chấp là xe ôtô khách 47 chỗ nhằm mục đích phát mãi tài sản và thu hồi nợ.

Tổng giám đốc một công ty xử lý nợ thuộc một ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết: “Những câu chuyện trên như cơm ăn mỗi bữa hàng ngày của chúng tôi”.

Ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm: Một góc nhìn khác - Ảnh 1

Một vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản trong đời sống kinh tế xã hội đó là vay được thì phải trả nợ được nhưng lại trở nên ầm ĩ bởi những người bị thu giữ tài sản đảm bảo có đơn thư gửi các cơ quan công quyền. Đáng chú ý, hai trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm trên vẫn trong thời hạn Nghị quyết số 42 của Quốc hội có hiệu lực mà vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khi thời điểm hiện tại, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024 và Luật các TCTD mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD.

Nút thắt ngày càng chặt

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, cho biết việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu hiện nay rất khó khăn. Các TCTD không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Nói cách khác, ngân hàng tuy có quyền thu giữ tài sản nhưng không có quyền thực thi quyền thu giữ tài sản mà không cần có sự đồng ý của Bên thế chấp, việc thu giữ tài sản sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng để đảm bảo quyền lợi của các bên trong giao dịch bảo đảm, theo giám đốc một công ty tư vấn luật.

Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết: “Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày”.

Cũng theo ông Vỹ, thực trạng này tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt đối với các TCTD có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng.

Kỳ vọng sửa đổi

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cho biết việc thu giữ tài sản bảo đảm không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi cho TCTD mà để đảm bảo là quyền lợi chung, mang tính xã hội. Tính xã hội thể hiện ở chỗ khi thu được nợ xấu là có tiền để cho vay những khách hàng khác có nhu cầu. Ngoài ra, nếu thu hồi được nợ xấu, lợi nhuận của TCTD được tăng lên, là cơ sở để TCTD giảm lãi suất cho vay đối với các đơn vị khác.

Ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm: Một góc nhìn khác - Ảnh 2

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng thông tin, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Trong đó, riêng khối NHTM cổ phần tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống TCTD; tỷ lệ nợ xấu 7,77%.

Theo Phó Thống đốc, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp…

Bên cạnh đó, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường bất động sản còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các NHTM cũng khó khăn”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Chúng ta ví von nợ xấu như “cục máu đông” cần phải nhanh chóng “phá vỡ” để dòng máu là dòng tiền được len lỏi “nuôi sống” nền kinh tế. Vậy nên, trong bối cảnh cấp thiết hiện nay, khi đã nhìn nhận được nút thắt của vấn đề thì cần nhanh chóng tháo gỡ để đạt các chỉ tiêu kinh tế đặt ra”.

Chủ tịch VIB đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các TCTD được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ 3 nội dung: Quy định một trong những phương thức xử lý tài sản bảo đảm là tổ chức tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, quy định TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quy định về trình tự thủ tục để TCTD thu giữ tài sản bảo đảm

Còn vị giám đốc công ty tư vấn luật kỳ vọng: “Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có liên quan sớm xem xét sửa đổi bổ sung Luật các TCTD mới được ban hành đầu năm nay. Hành động này cái được lớn nhất là giảm nợ xấu, tăng cường năng lực tài chính, tăng khả năng cho vay của các ngân hàng”.

Dung Dịu

Theo VietnamFinance