Ngân hàng VIB lãi vượt 10.000 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2022 lên đến 35%
Lợi nhuận quý 4/2022 của ngân hàng VIB giảm nhẹ 1% so với quý 3, nhưng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2022 lãi trước thuế hơn 10.581 tỷ đồng. ROE đạt mức 30% năm thứ 3 liên tiếp. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%.
Lợi nhuận ngân hàng VIB vượt mốc 10.000 tỷ đồng, lãi dự thu hơn 2.400 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, cả năm 2022 thu nhập lãi thuần của VIB tăng 27% so với năm trước, mang về gần 14.963 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng so năm trước. Cụ thể, lãi từ dịch vụ đạt hơn 3.188 tỷ đồng, tăng 16% nhờ tăng 69% thu dịch vụ thanh toán và giảm tới 90% chi phí dịch vụ hoa hồng bảo hiểm. Đáng chú ý, hoạt động khác thu về khoản lãi gần 355 tỷ đồng, tăng đến 61% so với năm trước, nhờ thu từ nợ đã xử lý rủi ro gần 377 tỷ đồng, tăng 75%.
Năm 2022, chi phí hoạt động tại ngân hàng VIB tăng 18% lên hơn 6.197 tỷ đồng chủ yếu do chi phí cho nhân viên hơn 4.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 23%, đạt gần 11.861 tỷ đồng. Năm 2022, VIB trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.279 tỷ đồng, giảm 22%. Do đó, ngân hàng VIB thu được hơn 10.581 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 8.469 tỷ đồng lãi sau thuế, đều tăng 32%. Như vậy, nhà băng này đã hoàn thành kế hoạch 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đã đặt ra.
ROE của VIB đạt mức 30% năm thứ 3 liên tiếp. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 12,7%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, tính đến 31/12/2022, lãi dự thu tại VIB tăng 31% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 575 tỷ đồng, từ 1.857 tỷ đồng lên 2.432 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là lãi phải thu từ hoạt động tín dụng chiếm tới 1.487 tỷ đồng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận ngân hàng càng cao.
Cho vay khách hàng tăng 15%, bất động sản thế chấp hơn 345.000 tỷ đồng
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của VIB tăng 11% so với đầu năm, lên mức 343.069 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 15% tăng 231.944 tỷ đồng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 60% còn 10.063 tỷ đồng; tiền gửi và cho vay TCTD khác tăng 85% đạt 51.899 tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng cũng tăng 15% so với đầu năm, đạt 200.123 tỷ đồng;…
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tại VIB tính đến cuối năm 2022 tăng 22% so với đầu năm, chiếm 5.687 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 85% lên mức 2.436 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 7% ở mức gần 1.710 tỷ đồng; riêng nợ dưới tiêu chuẩn giảm 12% còn gần 1.541 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%.
Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tăng vọt 92% so với đầu năm, từ 5.289 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 10.155 tỷ đồng. Tuy chưa được xếp vào nợ xấu nhưng việc nợ nhóm 2 nhảy vọt cho thấy khả năng tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng VIB đang ở mức cao.
Về tài sản thế chấp của khách hàng tại VIB, tính đến 31/12/2022, ghi nhận hơn 528.360 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu từ bất động sản thế chấp ghi nhận hơn 345.855 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và chiếm tới 65% tổng tài sản thế chấp. Đặc biệt, bất động sản thế chấp tại VIB cao gấp 1,5 lần dư nợ cho vay khách hàng.
Ngoài ra còn có phương tiện vận tải thế chấp hơn 96.151 tỷ đồng; máy móc thiết bị hơn 20.471 tỷ đồng; quyền khai thác tài sản hơn 17.000 tỷ đồng; vàng, ngoại tệ, giấy tờ có giá hơn 13.738 tỷ đồng;…
Bất động sản thế chấp ở ngân hàng bao gồm đất đai, nhà ở, nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các tài sản gắn liền với công trình xây dựng. Đó có thể là các tài sản hiện có, cũng có thể là các tài sản hình thành trong tương lai (tức là các tài sản hình thành trong và sau thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp) như lợi tức thu được từ sử dụng BĐS, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình xây dựng trong tương lai…
Hiện nay, VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức vào tháng 3. Tại đại hội năm nay, VIB sẽ bàn chuyện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% lên 30%; sửa đổi điều lệ; tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 tỷ lệ 10%.
Dự kiến, mức chia cổ tức cho cả năm 2022 của ngân hàng VIB là 35%.