Ngân hàng Vietbank bị tố ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ

Khách hàng của ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank) tại thành phố Đà Nẵng vừa có đơn thư gửi Doanh nghiệp Việt Nam về việc bị nhân viên ngân hàng này ép mua bảo hiểm nhân thọ thì mới giải ngân khoản vay.

Cụ thể, anh N.Đ.H (trú tại phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cho biết, trong tháng 03/2021 do có nhu cầu vay vốn mua nhà nên anh đã tìm đến ngân hàng VietBank chi nhánh Hùng Vương tại Đà Nẵng để vay vốn.

Tại đây, sau thỏa thuận, anh N.Đ.H được một nhân viên hướng dẫn các thủ tục cần thiết và khẳng định giải quyết thủ tục hồ sơ giải ngân đúng ngày công chứng mua, bán đất và không hề có yêu cầu nào về việc phải mua bảo hiểm nhân thọ trong các thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, sau khi thống nhất, đến sát ngày anh N.Đ.H cần tiền giải ngân để công chứng mua tài sản đúng theo thỏa thuận với ngân hàng thì bị nhân viên này yêu cầu cần ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ thì mới hoàn tất các thủ tục giải ngân khoản vay.

Theo anh N.Đ.H, đây hoàn toàn là việc làm vô lý, không có trong quy định hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn của ngân hàng VietBank mà anh đã ký. Đồng thời, việc để tới giờ "chót" nhân viên mới thông báo cần mua bảo hiểm nhân thọ lúc đó mới giải ngân thì không khác gì cài bẫy, ép buộc khách hàng.

“Điều khiến tôi bức xúc là phía ngân hàng VietBank không hề thông báo ngay từ đầu về việc mua bảo hiểm nhân thọ, mà đợi đến đúng sát ngày giải ngân khoản vay mới thông báo về điều kiện này. Việc này không khác gì là "cài bẫy" khách hàng vay vốn để ép mua bảo hiểm nhân thọ trái với quy định của pháp luật. Lúc này, ở thế bí, tôi không còn có sự lựa chọn nào khác là phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với bên thứ ba là công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential để được phía ngân hàng VietBank giải ngân cho khoản vay. Vì nếu không đồng ý thì sẽ không có tiền để ra công chứng mua nhà, tôi sẽ phải mất hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc nhà trước đó”, anh N.Đ.H bức xúc chia sẻ.

Được biết, hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ của anh N.Đ.H ký với bên thứ 3 là công ty Prudential có tổng giá trị phải đóng hàng năm là hơn 11 triệu đồng và kéo dài hơn 60 năm, tức là dù cho có trả hết nợ vay rồi thì anh cũng vẫn phải đóng khoản bảo hiểm, mặc dù anh không hề mong muốn.

Anh N.Đ.H cho biết, sau đó anh cũng đã có phản ánh lại vụ việc cho bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (Giám đốc ngân hàng Vietbank chi nhánh Hùng Vương Đà Nẵng), và được bà Giám đốc cho biết: "Đó là quy định của ngân hàng và là điều kiện bắt buộc mới được giải ngân cho khoản vay".

Để tìm hiểu vụ việc, phóng viên có liên hệ với bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (Giám đốc ngân hàng Vietbank chi nhánh Hùng Vương Đà Nẵng) để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, phóng viên đã nhiều lần liên hệ nhưng giám đốc ngân hàng Vietbank chi nhánh Hùng Vương này vẫn nhiều lần thất hẹn.

Liên quan đến đơn thư của anh N.Đ.H, trao đổi với phóng viên, ông Võ Minh (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng) khẳng định: “Về vấn đề này, thực ra Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhắc nhở nhiều lần rồi. Việc cho vay là cho vay, mua bảo hiểm là mua bảo hiểm, hai cái việc tách biệt, không có dính dáng gì đến nhau. Còn những Ngân hàng nào cố tình o ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn là sai phạm. Nếu các ngân hàng thương mại cố tình làm sai thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng.
Ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng.

Được biết, ngày 30/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành công văn số 7928/NHNN-TTGSNH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Công văn này đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp ép, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Hà Hải

Theo DNVN