Ngành công nghiệp Việt Nam tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm
(CL&CS) Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam Quý 1.2022 do Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam công bố cho thấy nhiều con số tích cực về tình hình tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam bất chấp những khó khăn của nền kinh tế hậu Covid-19 và biến động kinh tế - chính trị trên thế giới.
Ngày 20/4, Savills Việt Nam công bố Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam Quý 1.2022. Đây là ấn phẩm tổng hợp các thông tin cập nhật về ngành công nghiệp Việt Nam do Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam thực hiện và phát hành theo quý.
Theo đó, một trong những điểm sáng của ngành Công nghiệp Việt Nam trong 3 tháng đầu năm là mức độ tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường. Theo đánh giá của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - FIA (thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư), nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất tự tin với tốc độ tăng trưởng của nền Công nghiệp Việt Nam và môi trường đầu tư trong bối cảnh bình thường mới.
FIA cũng dự báo việc mở cửa biên giới trở lại từ ngày 15/3, các chính sách miễn thị thực mới và sự dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư châu Âu do xung đột Nga - Ukraine sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới.
Dòng vốn FDI tăng trưởng ổn định
Bình luận thêm về vấn đề này, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam đánh giá các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển ngoài mong đợi vào năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi và dòng FDI vẫn tăng trưởng ổn định. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), GDP tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước (YoY) trong Q1.2022. Mặc dù cao hơn mức tăng trưởng 4,7% của Q1.2021 và mức tăng trưởng 3,7% của Q1.2020 song vẫn thấp hơn mức 6,85% được ghi nhận trong năm 2019.
Cụ thể về nguồn FDI, đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 322 dự án cấp mới với vốn đầu tư đăng ký đạt 3,21 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm là 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Về tình hình thu hút FDI của các địa Phương, Bình Dương dẫn đầu ở mức 29% với 2,3 tỷ USD, tiếp sau là Bắc Ninh chiếm 16% và Thái Nguyên chiếm 10%.
Ở góc độ nguồn vốn, Singapore là quốc gia có nguồn vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất trong 3 tháng đầu năm với hơn 2,28 tỷ USD tương đương 26%, tiếp theo là Hàn Quốc với 1,6 tỷ USD tương đương 18%. Đặc biệt, dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn của Tập đoàn Lego tại Bình Dương đã đưa Đan Mạch trở thành nước đóng góp lớn thứ ba với hơn 1,3 tỷ USD.
Cũng trong Quý 1, ngành sản xuất và chế biến thu hút 5,3 tỷ USD tương đương 60% tổng vốn đầu tư. Trong đó ghi nhận 84 dự án cấp mới với vốn đăng ký 2,1 tỷ USD và 150 dự án đăng ký tăng vốn. Theo khu vực, miền Nam chiếm ưu thế với 1,9 tỷ USD, chiếm 87,7% vốn FDI đăng ký mới trong lĩnh vực sản xuất, tiếp theo là miền Bắc với hơn 238 triệu USD tương đương 10,8%.
Theo ông John Campbell, kể từ quý III năm ngoái đến nay, ngành công nghiệp đã trải qua một quãng thời gian rất đáng nhớ.
“Không thể phủ nhận rằng năm 2021 là một năm rất khó khăn, đặc biệt là với những làn sóng bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Sản xuất duy trì tăng trước thách thức từ lạm phát và bất ổn chính trị
Về bối cảnh chung của nền kinh tế, số liệu của Trading Economics cho thấy Chỉ số Quản lý Thu mua Sản xuất (PMI) của công nghiệp Việt Nam đã giảm xuống 51,7 điểm trong tháng 3 từ mức 54,3 của tháng 2. Mặc dù chỉ số này vẫn chỉ ra sự cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh nhưng đây là kết quả thấp nhất được ghi nhận trong 6 tháng qua. Sản lượng công nghiệp cũng lần đầu tiên ghi nhận mức giảm nửa năm qua.
Savills đánh giá nguyên nhân chính của vấn đề này đến từ tình trạng thiếu hụt lao động do công nhân nhiễm Covid-19 và những công việc còn tồn đọng từ tháng 9.2021. Đi kèm với đó là tình hình dịch bệnh và xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng đến quá trình giao hàng, đẩy thời gian vận chuyển lên cao nhất từ tháng 10 năm ngoái đến nay. Vấn đề lạm phát cũng trở thành một thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong gần 11 năm qua. Giá dầu, khí đốt, nguyên liệu thô và giá vận chuyển cũng kéo theo sự gia tăng của các chi phí.
Tuy nhiên, trong bức tranh đó, điểm tích cực ghi nhận trong tháng 3 vừa qua là sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 9,2% trong tháng 2. Bất chấp đại dịch, đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường, ông John Campbell khẳng định trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong những năm qua trong việc khuyến khích các công ty chuyển đến Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đưa ra ưu đãi về thuế cho các công ty công nghệ hoặc R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh.
“Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Thị trường vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối, còn một chặng đường dài phía trước nhưng thật khả quan khi thấy rằng thị trường đã thu hút nhiều ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và lĩnh vực hậu cần hơn so với trước đây”, ông John nói thêm.