Ngập ngừng trước đỉnh, VN-Index liệu có thất bại một lần nữa?

SAB trở thành công thần của VN-Index khi tăng giá kịch trần mà nguyên do được giới đầu tư nửa đùa nửa thật rằng vì… sắp tới mùa bóng đá Euro 2024. Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” gây ra lo ngại về việc VN-Index lại thất bại trong hành trình vượt đỉnh.

VN-Index đã tiến rất gần đỉnh năm nay khi duy trì trên mốc 1.290 điểm trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch 5/6. Tuy nhiên cuối phiên, chỉ số này suy yếu và kết phiên tại 1.284,35 điểm, tăng chưa tới 1 điểm so với thời điểm mở phiên. Nhưng đây chỉ là tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” khi trên sàn HoSE, số mã giảm (236) hơn hẳn số mã tăng (189).

“Công thần” của phiên giao dịch phải kể đến cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khi tăng kịch trần từ khá sớm và chốt phiên vững vàng ở vị trí cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Giới đầu tư nửa đùa nửa thật rằng, cổ phiếu SAB tăng mạnh trong phiên 5/6 cũng như 2 phiên trước đó là do… sắp tới mùa bóng đá Euro 2024.

Bên cạnh SAB, một cổ phiếu khác cũng trong ngành đồ uống là VNM của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã toả sáng với mức tăng lên tới 3,79% và trở thành cổ phiếu có tác động tích cực thứ hai đến chỉ số VN-Index.

Dạo qua các ngành, sự đồng thuận là khá kém. Gần như chỉ có một ngành nhỏ là bảo hiểm cho thấy sự đồng thuận đi lên, còn lại là phân hoá và đi xuống.

Những diễn biến trên gây ra lo ngại về việc liệu VN-Index có lại một lần nữa thất bại trước mốc đỉnh năm nay thiết lập tại 1.290,18 điểm chốt phiên 28/3.

Ngập ngừng trước đỉnh, VN-Index liệu có thất bại một lần nữa? - Ảnh 1

Trên thực tế, việc VN-Index suy yếu trong phiên chiều 5/6 là dễ hiểu bởi đây là khoảng thời gian cổ phiếu mua trong phiên tăng mạnh hơn 18 điểm ngày 3/6 về tài khoản, cộng thêm VN-Index ở vùng đỉnh, tạo ra áp lực chốt lời lớn. Tuy vậy, không có áp lực bán tháo, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE duy trì ở mức tương đương phiên liền trước.

Bối cảnh hiện tại vẫn khá thuận lợi cho thị trường chứng khoán khi nền kinh tế ngày càng phát đi các tín hiệu phục hồi rõ nét, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, chỉ số DXY cũng đi xuống khiến lo ngại về áp lực tỷ giá giảm bớt, mức định giá của thị trường vẫn khá hấp dẫn. Có vẻ nhưng những tín hiệu tích cực này đã phản ánh khá nhiều vào giá cổ phiếu và cần thêm lực đẩy từ nội lực các nhóm cổ phiếu quan trọng thì VN-Index mới có thể vượt đỉnh một cách dứt khoát.

Kỳ vọng có thể được đặt vào 2 nhóm cổ phiếu. Đầu tiên là nhóm Vingroup (gồm VHM, VIC và VRE) vốn đang được duy trì ở vùng giá thấp, bất chấp chỉ số VN-Index tăng đáng kể trong thời gian qua. Đặc biệt là VHM, cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam đang ở vùng giá thấp nhất lịch sử (thậm chí còn thấp hơn cả thời dịch Covid-19 bùng nổ) và được giao dịch ở mức định giá P/B chỉ 0,87 lần, tức là giá trị vốn hoá chỉ bằng 87% giá trị sổ sách. Do đó, dư địa tăng của nhóm Vingroup còn khá lớn.

Nhóm thứ hai là cổ phiếu ngân hàng. Tạo sóng khá lớn hồi đầu năm, cổ phiếu ngân hàng bỗng tỏ ra yếu đuối hơn hẳn sau nhịp điều chỉnh đầu quý II của toàn thị trường. Tuy nhiên, soi chiếu về quá khứ, cổ phiếu ngân hàng hiếm khi chỉ tạo một đợt sóng rồi im ắng hẳn.

Ngoài ra, sự đảo chiều mua ròng của khối ngoại cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy cho VN-Index vượt đỉnh trong tuần này.

 

Thanh Long

Theo VietnamFinance