Ngày cuối năm, ngân hàng dồn dập tăng lãi suất tiết kiệm vượt 7%

Theo giới phân tích, trong năm 2025, lãi suất cho vay có thể tăng nhưng không quá mạnh, còn lãi suất tiền gửi được duy trì ổn định và tăng nhẹ về nửa cuối năm.

Lãi suất huy động tăng về nửa cuối năm

Trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2025 (ngày 2/1), nhiều ngân hàng cập nhật lãi suất với xu hướng điều chỉnh tăng khiến thị trường lãi suất sôi động.

Trong đó, Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank) tăng mạnh lãi suất huy động với mức tăng 0,2%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 1-15 tháng, tăng 0,25%/năm các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Hiện đại (MBV - tên gọi mới của OceanBank) công bố lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng tăng thêm 0,2%/năm, các kỳ hạn từ 6-15 tháng tăng thêm 0,1%/năm. Còn Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn.

Hiện nhiều ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn dài, không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu. Chẳng hạn, BVBank áp dụng mức lãi suất huy động 6% cho kỳ hạn 12 tháng, 6,2% với kỳ hạn 15 tháng và 6,3% cho kỳ hạn 18 - 24 tháng; GPBank niêm yết mức lãi suất huy động 6,05%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,15%/năm cho kỳ hạn 13-36 tháng.

Nhiều ngân hàng như DongABank, SaigonBank, HDBank, ABBank đang áp dụng lãi suất từ 6- 6,1%/năm cho nhiều kỳ hạn.

Một số ngân hàng còn triển khai mức lãi suất huy động vượt 7%/năm, thậm chí lên tới 9,5%, nhưng đi kèm những điều kiện đặc biệt. PVcomBank dẫn đầu với lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng nhưng yêu cầu số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. HDBank áp dụng mức 8,1%/năm kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm kỳ hạn 12 tháng với điều kiện số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND thường tại quầy của các ngân hàng trong ngày đầu tháng 1/2025 cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng so với tháng trước, với mức tăng thêm từ 0,05-0,3%.

Theo giới phân tích, năm 2025, áp lực từ nhu cầu tín dụng tăng cao và biến động tỷ giá dự kiến sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục nhích lên. Song lãi suất tiền gửi sẽ ổn định trong nửa đầu năm và chỉ tăng nhẹ về nửa cuối năm.

Ngày cuối năm, ngân hàng dồn dập tăng lãi suất tiết kiệm vượt 7% - Ảnh 1

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo áp lực thanh khoản giảm dần trong thời gian tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất xuống 4,5% đến cuối năm 2024 và tiếp tục hạ xuống 3,5-4,25% đến cuối năm 2025.

ACBS cho rằng lãi suất huy động VND sẽ không chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2025 và dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm có thể duy trì ổn định quanh mức 5% trong năm 2025.

Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ chỉ tăng khoảng 0,3 điểm %, lên mức 5,2-5,3%/năm vào cuối năm 2025. Đây vẫn là mức thấp hơn đáng kể so với thời điểm trước đại dịch Covid-19, khi lãi suất huy động bình quân đạt khoảng 6,8-7%/năm. Mức lãi suất này được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng.

Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tiền Phong (TPS) nhìn nhận, năm 2025, lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ và có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng quy mô nhỏ dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn từ khách hàng.

Lãi suất cho vay sẽ tăng nhẹ

Lãi suất huy động tăng dẫn đến nhiều khả năng cao là lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ tăng trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi vay sẽ tăng ở mức thấp chứ không quá mạnh để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm mặt bằng lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá lãi suất huy động tăng nhẹ tạo áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Nhưng room tín dụng dồi dào trong thời gian qua làm tăng cạnh tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và giúp duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Ngày cuối năm, ngân hàng dồn dập tăng lãi suất tiết kiệm vượt 7% - Ảnh 2

VCBS dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang năm 2025. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tăng thêm 0,5-0,7 điểm % vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.

Cũng theo phân tích của VCBS, mặt bằng lãi suất cho vay trong ngắn hạn sẽ có phân hóa. Theo đó, lãi suất cho vay đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu… theo các chương trình ưu đãi về lãi suất, dẫn đến lãi suất có thể tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, lãi suất ở nhóm ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như bất động sản và xây dựng sẽ điều chỉnh tăng theo đà tăng của lãi suất huy động.

VCBS cho rằng lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ có thể cải thiện trong năm 2025 khi khách hàng quay lại trả nợ. Còn lãi suất cho vay của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn có thể cải thiện sớm hơn nhờ chất lượng tài sản tốt.

Trong khi đó, MBS Research kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định trong nửa đầu năm 2025 và cải thiện dần trong nửa cuối năm 2025 khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng và bất động sản cải thiện.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nếu tỷ giá tăng thì mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay của Chính phủ và NHNN khó đạt được. Thậm chí, một số thời điểm, không loại trừ khả năng NHNN phải nâng lãi suất để hạ nhiệt tỷ giá.

Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu gia tăng cũng làm tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Để bảo đảm hoạt động, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, làm giảm lợi nhuận và hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance