Nghịch lý dòng tiền ông chủ Vinasoy: Có 4.850 tỷ gửi ngân hàng, vay 1.400 tỷ để kinh doanh

Đường Quảng Ngãi (QNS) mang 4.850 tỷ đồng đi gửi ngân hàng rồi lại vay 1.400 tỷ đồng để kinh doanh. Kết quả là chi phí lãi vay tăng tới 76,1%.

CTCP Đường Quảng Ngãi có tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từng được thành lập từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đơn vị này cũng đồng thời là chủ của Vinasoy với sản phẩm Sữa đậu nành Fami nổi tiếng.

Trong kết quả kinh doanh Quý 1 năm 2023, Đường Quảng Ngãi đã ghi nhận một bức tranh tươi sáng với tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tuy nhiên, lượng vay nợ của công ty cũng đồng thời gia tăng đi kèm với đó là sự mất cân đối về dòng tiền.

Lợi nhuận tăng trưởng gần 80%

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất Quý 1 2023 của Đường Quảng Ngãi, công ty đạt doanh thu 2.129,6 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn chiếm 1.533,9 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 595,7 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp được gia tăng từ 26,7% lên 28%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ gia tăng gần gấp đôi từ 37,9 tỷ đồng lên 71,4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi của nguồn tiền gửi lớn tại ngân hàng. Chi phí tài chính với cơ cấu phần lớn là chi phí lãi vay cũng đồng thời tăng từ 21,8 tỷ đồng lên 38,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 76,1%.

Chi phí bán hàng trong kỳ được tiết chế từ 232,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 210,6 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng từ 58,9 tỷ lên 62,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Đường Quảng Ngãi còn lại 316,5 tỷ đồng, tăng tới gần 80% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình từ phía công ty thì trong Quý 1, sản lượng tiêu thụ đường tăng tới 90%, doanh thu từ mảng này cũng tăng thêm 80% giúp đẩy doanh thu của cả công ty lên cao. Ngược lại thì các sản phẩm như sữa, nước khoáng, bia, bánh kẹo lại ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về lượng tiêu thụ.

Vay nợ ngắn hạn gia tăng 1.400 tỷ chỉ trong 3 tháng

Ghi nhận tăng trưởng về doanh thu cùng lợi nhuận khởi sắc trong Quý 1 của Đường Quảng Ngãi cho thấy triển vọng của công ty trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn của đơn vị này lại cho thấy một số vấn đề.

Tại cuối Quý 1 năm 2023, tổng tài sản của QNS ghi nhận ở mức 11.814,5 tỷ đồng, tăng 15,1% so với đầu kỳ. Trong đó, lượng tài sản ngắn hạn của công ty đang chiếm 7.906,9 tỷ đồng.

Một điều đáng chú ý đó là tại đầu năm 2023, QNS đang ghi nhận có 202,6 tỷ đồng tiền mặt cùng với 4.296 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng. Đến cuối Quý 1 năm 2023, lượng tiền mặt tăng lên 331,1 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng tăng thêm 554 tỷ đồng, đạt ngưỡng 4.850 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng ngay trong Quý 1, QNS đã thu về lượng lớn tiền mặt cũng như duy trì tới 4.850 tỷ tiền gửi tại ngân hàng. Đơn vị này hoàn toàn không thiếu tiền.

Thế nhưng trong cơ cấu nguồn vốn của QNS, ghi nhận về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lại gia tăng từ 1.895,9 tỷ đồng lên 3.295,1 tỷ đồng. Điều này tương đương với việc QNS đã đi vay ngắn hạn thêm tới 1.400 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm.

Các khoản nợ gia tăng trong kỳ của QNS chủ yếu đến từ 3 ngân hàng là Ngân hàng Công thương Quảng Ngãi với 885,5 tỷ đồng; ngân hàng Ngại thương Quảng Ngãi với 980,3 tỷ đồng; ngân hàng Đầu tư và Phát triển Quảng ngãi với 1.429,3 tỷ đồng.

Có thể thấy một nghịch lý đó là QNS mang tới 4.850 tỷ đồng đi gửi ngân hàng để lấy lãi rồi lại phải vay thêm 1.400 tỷ trong ngắn hạn để sử dụng cho hoạt động kinh doanh. Điều này cũng trùng khớp với số liệu ghi nhận về chi phí lãi vay trong kỳ đã tăng từ 21,8 tỷ cùng kỳ lên 38 tỷ đồng. Và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty cũng âm tới 416,8 tỷ đồng trong Quý 1 năm 2023.

Nhật Minh

Theo VietnamFinance