Nghiên cứu giải pháp quản lý và phát triển lĩnh vực bảo hiểm: Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng nhờ kinh doanh bảo hiểm
Trong năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng vẫn tăng vọt nhờ kinh doanh bảo hiểm. Nhiều nhà băng thu về khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm.
Ngân hàng có doanh thu “khủng” từ bảo hiểm
Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đang là kênh kinh doanh hấp dẫn, mang lại nguồn thu lớn cho cả bảo hiểm và ngân hàng. Với nguồn thu hàng nghìn tỷ mỗi năm từ bảo hiểm, các ngân hàng khó có thể bỏ qua mối lợi này.
Theo tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2022, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank)… là những ngân hàng có doanh thu từ mảng bảo hiểm lớn nhất.
Trong đó, MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất hệ thống nhờ sở hữu hai công ty bảo hiểm là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.
Năm 2022, MB báo lãi trước thuế 18.155 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021. Riêng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 10.185 tỷ đồng, cao hơn gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn thu từ bảo hiểm hiện chiếm tới 71,5% doanh thu từ mảng dịch vụ chung của MB.
Doanh thu từ bảo hiểm của MB tăng rất nhanh trong những năm trở lại đây. Năm 2019, doanh thu mảng này là 4.202 tỷ đồng, đến 2020 đã lên 5.849 tỷ đồng.
Xếp sau MB là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16.923 tỷ đồng, và thu từ kinh doanh bảo hiểm là 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Số thu từ bảo hiểm của VPBank chiếm 1/3 tổng thu nhập dịch vụ.
Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ bảo hiểm. Năm 2022, Techcombank có lợi nhuận sau thuế 20.436 tỷ đồng. Thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2021. Thu nhập hoa hồng bảo hiểm năm 2022 tại VIB là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021.
Ở vị trí thứ 4 là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) có thu nhập hoa hồng bảo hiểm là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. VIB đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Prudential.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm của TPBank đạt 876 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với năm 2021. Đây là nhà băng hiếm hoi sụt giảm nguồn thu từ mảng bảo hiểm. TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life.
Ngoài ra, còn có các nhà băng nhỏ cũng ghi nhận vài chục tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng lớn. Như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, năm 2022 thu 33 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, tăng trưởng hơn 310% so với năm ngoái.
NHNN sẽ xử lý nghiêm việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm
Tuy đã phát triển rất mạnh nhưng dư địa của mảng bancassurance vẫn còn rất lớn khi tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng mới chỉ chiếm 5-8%. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận trả mức phí Upfront fee (phí trả trước) rất cao để thâm nhập vào danh mục khách hàng của các ngân hàng. Điều này cho thấy mảng bancassurance có sự hấp dẫn rất lớn.
Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, hoạt động bán bảo hiểm qua hợp tác với ngân hàng tại Việt Nam những năm gần đây phát triển một cách mạnh mẽ. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Doanh thu phí khai thác mới đến từ kênh bancassurance được dự báo sẽ sớm đạt được mức đóng góp 50% trong tổng doanh thu, có thể vượt qua các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm chi hoa hồng rất cao cho các ngân hàng. Lợi nhuận thu từ bán bảo hiểm của một số ngân hàng hiện chỉ đứng sau hoạt động chính là cho vay.
Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh về việc tổ chức tín dụng (TCTD) ép khách hàng mua bảo hiểm. Ngày 24/02/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị về hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng.
Tại hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá những năm gần đây, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã trở thành xu hướng nhờ tính thuận tiện, hiệu quả và lợi ích mang lại cho tất cả các bên tham gia.
Theo Phó thống đốc, việc triển khai thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không chỉ mang lại những lợi ích về mặt kinh tế cho ngân hàng mà còn giúp đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu, nâng cao trải nghiệm sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính của khách hàng, hỗ trợ xây dựng nền tảng khách hàng trung thành…
Trước thông tin phản ánh về việc TCTD ép khách hàng mua bảo hiểm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn bộ hệ thống, không để xảy ra trường hợp ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm…
NHNN cũng đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của TCTD.
Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn yêu cầu các TCTD nghiêm túc chấp hành các quy định tại Luật các TCTD, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác về hoạt động đại lý bảo hiểm.
Theo đó, Phó thống đốc yêu cầu các TCTD cung cấp thông tin về sản phẩm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm... đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm; giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua TCTD không phải là sản phẩm của TCTD; không được tự ý kê khai thông tin cho bên mua bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Đại diện NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi ép, gắn việc mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng;
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản quy định nội bộ về hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ pháp luật, trong đó quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm;
Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, cập nhật các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để không gây áp lực đối với nhân viên/đơn vị kinh doanh, không để xảy ra trường hợp nhân viên/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm;
Tiếp tục tăng cường, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó đặc biệt lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm.
Các TCTD nghiên cứu, triển khai thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức cán bộ của TCTD giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chào bán, tư vấn về sản phẩm bảo hiểm;…
Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Phó thống đốc yêu cầu các đơn vị chức năng khi tiếp nhận (qua đường dây nóng) phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, tiến hành phân loại, xử lý và chuyển tới Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi xảy ra để giải quyết theo đúng quy định.