'Ngôi sao' cuối cùng bỏ đi, Coteccons sẽ tiếp tục chìm trong khủng hoảng?
Ngày 18/11/2020 HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Coteccons (Coteccons Group) đã chấp nhận đơn từ chức của ông Từ Đại Phúc – nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Coteccons. Ông Phúc được ví như 'Ngôi sao' cuối cùng còn "sót lại" từ thời ông Nguyễn Bá Dương đã chính thức rời bỏ Coteccons.
"Ngôi sao" cuối cùng đã rời Coteccons
Ông Từ Đại Phúc sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc TP HCM. Ông Phúc đã từng công tác tại Công ty Thiết kế Miền Nam A.S.C.A, giữ vai trò Trưởng nhóm Thiết kế Kiến trúc tại Công ty Tư vấn Thiết kế Công nghiệp V.C.C.
Năm 2002, ông chuyển về làm việc tại Coteccons và giữ qua các chức vụ: Chỉ huy trưởng, Trưởng phòng Hoàn thiện, Trợ lý Tổng Giám đốc và Giám đốc Phát triển Kinh doanh. Từ tháng 3/2014, ông giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại Công ty Coteccons và phụ trách hoạt động đầu tư, các dự án Design & Build của công ty.
Với việc ông Từ Đại Phúc – Phó Tổng Giám đốc Coteccons chính thức nói lời chia tay Tập đoàn này sau 18 năm gắn bó thì tất cả những ‘anh hào’ chủ chốt của Coteccons giai đoạn 2016 – 2017 (thời ông Nguyễn Bá Dương còn là Tổng Giám đốc) đều đã rời đi. Đây được ví như hiện tượng chảy máu chất xám ở công ty vẫn được biết đến là ‘số 1’ trong ngành xây dựng.
Sau khi ông Phúc rời đi, Ban Giám đốc của Coteccons chỉ còn ông Võ Thanh Liêm - Quyền Tổng giám đốc là người 19 năm gắn bó với Coteccons và hai Phó Tổng giám đốc là ông Phạm Quân Lực và ông Trần Trí Gia Nguyễn. Trong đó, ông Lực và ông Gia Nguyễn vừa được bổ nhiệm hồi giữa tháng 10.
‘Khủng hoảng kép’ tại Coteccons
Song song với tình hình nhân sự vẫn còn đang mơ hồ là một kết quả kinh doanh ‘lao dốc không phanh’ của Tập đoàn xây dựng từng được coi là ‘số 1’ trong ngành xây dựng Việt Nam.
Cụ thể, theo BCTC Quý III/2020 của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán: CTD – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu đạt 2.775,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 88,7 tỷ đồng, lần lượt bằng 44,6% và 53,8% so với thực hiện quý III/2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện mạnh từ 4,1% lên 6,1%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước về 168,1 tỷ đồng. Theo giải thích của doanh nghiệp, nguyên nhân là do chịu tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, nhiều dự án bất động sản giãn tiến độ xây dựng, dẫn đến doanh thu giảm và lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có khoản giảm trừ doanh thu 31,1 tỷ đồng của công trình đã quyết toán.
Trong năm 2020, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 32,6% và 15,5% so với thực hiện năm 2019.
Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của CTD giảm 13,2% về 14.056 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu khoản phải thu ngắn hạn đạt 7.453,8 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 3.557,4 tỷ đồng, chiếm 25,3% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.457,8 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 628,9 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng tài sản.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020, hiện tại doanh nghiệp sở hữu 3.557,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi chỉ có 77,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương với giá trị tiền và đầu tư tài chính trên số lượng cổ phiếu lưu hành là 46.080 đồng/cổ phiếu.
Trong bối cảnh Tập đoàn từng được mệnh danh là ‘số 1’ ngành Xây dựng Việt Nam phải chịu ‘khủng hoảng kép’ cùng với đó là sự vươn lên của các ‘số 2’ và ‘số 3’ như Ricons hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì một kịch bản xấu là Coteccons ‘tan rã’ được nhiều nhà đầu tư dự đoán hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.
Hành trình "lao dốc" của đại gia xây dựng số 1 Việt Nam cho thấy cục diện ngành xây dựng tại Việt Nam trong tương lai sẽ rất khó lường, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.