Người dân thấp thỏm lo nhà ở xã hội sẽ tăng giá

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn NƠXH trong giai đoạn 2021 - 2030. Theo tính toán của HoREA, giá bán nhà ở xã hội (NƠXH) có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2 do chi phí tạo lập quỹ đất rất cao nếu không bỏ quy định dành 20% quỹ đất bắt buộc tại các dự án nhà ở thương mại.

Giá NƠXH có thể lên tới 40 triệu đồng/m2

Theo đánh giá của HoREA, Dự thảo Luật Nhà ở đã đúng khi bỏ quy định bắt buộc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 10ha (hoặc 2ha) trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để xây dựng NƠXH trong dự án. Bởi, theo HoREA không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng NƠXH trong cùng dự án, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, dự án nhà ở trung cấp.

HoREA cho rằng: “Nếu xây dựng NƠXH trong các dự án trên thì chi phí tạo lập quỹ đất rất cao (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất NƠXH cũng rất cao dẫn đến giá thành, giá bán NƠXH sẽ rất cao (theo tính toán thì giá bán có thể lên đến trên dưới 40 triệu đồng/m2). Con số này sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng NƠXH và sau này thì người mua NƠXH tại đây còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ cao hàng tháng do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp” .

Người dân thấp thỏm lo nhà ở xã hội sẽ tăng giá - Ảnh 1
Một góc khu NƠXH tại Đà Nẵng.

Liên quan đến quỹ đất 20%, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển NƠXH nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển NƠXH trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

“Bộ Xây dựng đã đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển NƠXH. Một trong những phương án đưa ra theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng. Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển NƠXH là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh;

Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường, lớp dành cho người khuyết tật, yêu cầu bắt buộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH” – Bộ Xây dựng thông tin.

Giá nhà ở sơ cấp, thứ cấp đều tăng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay trên cả nước đã hoàn thành 301 dự án NƠXH ở khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Thực tế, tại TP.HCM, cả năm 2022, chỉ có 1 dự án NƠXH được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại TP Thủ Đức.

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tháng 11/2022, đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám cho biết, mục tiêu về NƠXH là hướng tới người có thu nhập thấp và hướng tới nhà ở giá rẻ nhưng đến nay khó thực hiện khi giá NƠXH đang ở mức rất cao so với thu nhập người lao động, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21 - 25 triệu/m2.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao. Nguyên nhân là chưa đảm bảo được nguồn cung; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội cũng còn hạn chế; nguồn vốn chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thật sự thu hút và khả thi; khâu tổ chức thực hiện còn nhiều phức tạp…

Ngoài ra, tại nhiều dự án NOXH khác cũng có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông nằm trên 2 mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh và Đỗ Xuân Hợp (TP. Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư vừa được khánh thành và bàn giao cho người dân vào cuối năm 2022 đã có giá tăng gần gấp đôi.

Cụ thể, năm 2017, chủ đầu tư công bố mở bán chỉ có giá từ 18 - 22 triệu đồng/m2, nhưng đến nay, giá chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp của dự án này hiện lên 30 - 35 triệu đồng/ m2, tức tăng gần gấp đôi chỉ sau 5 năm.

Không chỉ dự án này, ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM sau nửa thập niên ra mắt thị trường với mốc ban đầu là 13,8 - 18 triệu đồng/m2, hiện đang được chào bán 29 - 30 triệu đồng. Chẳng hạn, Dự án Topaz Home (đường Phan Văn Hớn, quận 12) ra mắt năm 2016, có giá bán 13,8 triệu đồng/m2, nhưng hiện được chào bán thứ cấp với giá 29 triệu đồng/m2.

Tương tự, dự án nhà ở xã hội trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) bàn giao nhà vào năm 2020, đến nay giá bán trên thị trường thứ cấp thấp nhất ghi nhận 32 triệu đồng/m2, tăng gấp 2,1 lần so với cách đây nửa thập niên (bán giá 14,9 triệu đồng/m2).

Không chỉ các dự án nhà ở xã hội đã bàn giao đưa vào sử dụng, một số dự án vừa khởi công xây dựng như dự án chung cư nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Tân Thuận Tây (phường Tân Thuận Tây và phường Bình Thuận, quận 7) và khu nhà ở phường Phú Hữu (TP. Thủ Đức) cũng có giá bán trên 1 - 1,6 tỷ đồng/căn.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, nhà ở xã hội là loại căn hộ thuộc phân khúc thấp nhất thị trường hiện nay. Khi giá đất có biến động mạnh, giá căn hộ thương mại trên thị trường sơ cấp bị đẩy lên quá cao đã làm cho phân khúc căn hộ nhà ở xã hội trở thành vùng trũng, khó tránh khỏi hiện tượng lập mặt bằng giá mới trên thị trường thứ cấp. Do đó, việc các tài sản có giá mua đi bán lại tăng lên theo thời gian do trượt giá là diễn biến bình thường và căn hộ nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ.

Ông Quang phân tích, giá đất tăng 2 lần so với cách đây 5 năm, giá xây dựng tăng 50%, nên giá thành khoảng 17 - 18 triệu đồng xây theo chuẩn kế hoạch 12 tháng, giá thấp nhất cũng lên tới 25 triệu đồng/m2. Mặc dù nhà ở xã hội được ưu tiên miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho người mua và các chủ đầu tư bị giới hạn biên lợi nhuận không quá 10%, đầu vào phát triển phân khúc nhà giá thấp này khó có thể giữ mãi mức giá cũ trong những năm qua.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển