Nguồn vốn ‘khủng’ đổ về Phú Yên, riêng Hòa Phát nhắm 3 dự án quy mô cả trăm nghìn tỷ

Tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư tới 14 nhà đầu tư tổng số vốn gần 10.500 tỷ đồng và 6 biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn 128.800 tỷ đồng.

Sáng 3/3, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Phú Yên đã trao quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư tới 14 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 10.500 tỷ đồng.

Trong đó, lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch chiếm một nửa số dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư.

Các dự án có số vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Núi Thơm (hơn 2.200 tỷ đồng, Công ty cổ phần Sao Phương Bắc Phú Yên); Dự án Xây dựng Khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm (gần 2.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Everland Phú Yên); Dự án Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort (gần 1.050 tỷ đồng, Công ty TNHH Khu du lịch biển Hòa Thạnh Resort); Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm (hơn 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Việt An Phú Yên).

Tỉnh Phú Yên trao quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư.
Tỉnh Phú Yên trao quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư.

Một số dự án khác như: Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (gần 800 tỷ đồng) của Công ty cổ phần Đầu tư Xuân Đài Bay; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Casanova Bãi Tràm (gần 220 tỷ đồng) của Công ty cổ phần Đầu tư Bãi Tràm; Dự án Fleur De Lys Resort Phu Yen (250 tỷ đồng) của Công ty cổ phần Đầu tư FDL…

UBND tỉnh Phú Yên cũng trao 6 bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư với tổng số vốn 128.800 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tìm hiểu cơ hội đầu tư 3 dự án gồm: Dự án Cảng Bãi Gốc (dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); Dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 13.300 tỷ đồng); Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (khoảng 86.000 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Tập đoàn N&G tìm hiểu cơ hội đầu tư Dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp công nghệ cao (khoảng 2.550 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn TH tiếp tục đầu tư dự án Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên (khoảng 1.550 tỷ đồng); Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tìm hiểu cơ hội đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và phát điện (khoảng 1.400 tỷ đồng)…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng quy hoạch tỉnh Phú Yên sẽ là bản “tổng phổ” của các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ. 
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ. 

Quy hoạch cũng sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Theo Phó Thủ tướng, để đạt được những mục tiêu tham vọng trên, Phú Yên cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để Phú Yên trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.

Phú Yên xác định năng lượng sạch và hạ tầng số sẽ quyết định sức cạnh tranh của môi trường đầu tư bên cạnh các lợi thế về giao thông. Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...), Phú Yên cần có tư duy, chọn những nhà đầu tư những lĩnh vực này.

Địa phương cũng cần có giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc, hóa dầu, vận tải biển.

Phó Thủ tướng đồng tình với định hướng đưa du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây là lợi thế lớn của tỉnh nhưng cần phải đổi mới cách làm.

Cùng với đó tỉnh cần có chiến lược liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ như dịch vụ tận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe… để tạo được giá trị gia tăng; thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển các tổ hợp du lịch đẳng cấp quốc tế có tính chất điểm nhấn; khai thác tiềm năng di sản văn hóa và thiên nhiên để phát triển du lịch xanh trong xu thế hội nhập. 

Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong du lịch nhất, là phát triển các tiện ích đặt vé đi lại, cơ sở lưu trú, ẩm thực và các dịch vụ khác cùng với thanh toán điện tử, giới thiệu quảng bá, hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, văn hóa trên môi trường số giúp tiết kiệm thời gian. 

Đặc biệt tỉnh cần có chiến lược quảng bá “Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh” qua điện ảnh, văn học, nghệ thuật và các nền tảng truyền thông đa phương tiện.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance