BĐS tuần qua: Căn hộ cũ ở Hà Nội đắt đỏ, dự án Lumi 18.000 tỷ được khởi công
Bộ TNMT đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại không có đất ở; Căn hộ cũ ở Hà Nội đắt đỏ: Nhà ngoại thành, giá 40 triệu/m2 vẫn tranh nhau mua; CapitaLand khởi công dự án Lumi 18.000 tỷ tại Hà Nội; BĐS nghỉ dưỡng: ‘Càng kỳ vọng phục hồi sớm lại càng đợi dài như đêm mùa đông’... là những thông tin về bất động sản được quan tâm trong tuần qua.
Căn hộ cũ ở Hà Nội đắt đỏ: Nhà ngoại thành, giá 40 triệu/m2 vẫn tranh nhau mua
Theo ghi nhận của PV, phân khúc căn hộ thứ cấp sôi động kể từ năm 2023 đến nay, do nguồn cung mới hạn chế và giá nhà không ngừng tăng cao. Khảo sát tại thị trường Hà Nội, giá chung cư khu vực vùng ven hầu hết dao động ở mức 40-50 triệu đồng/m2.
Chị Hằng Nguyễn ở Hà Nội cho hay vợ chồng chị vừa được bạn bè giới thiệu 1 căn hộ diện tích 60m2 đã qua sử dụng 3 năm ở Intracom Đông Anh với giá 2,28 tỷ đồng, cộng thêm phí sang tên sẽ rơi vào khoảng 2,34 tỷ đồng, tương đương 39 triệu đồng/m2. Với giá bán đó chị cho biết khá hợp lý với nhu cầu gia đình chị đang tìm mua ở vùng ven.
“Tuy nhiên, chỉ mới vài ngày vợ chồng tôi tìm hiểu thì chủ nhà thông báo đã có người mua rồi”, chị Hằng nói và chia sẻ thời điểm này nếu không nhanh tay sẽ không mua được nhà ở.
Cũng như chị Hằng, anh Tuấn Dần cho biết đang tìm mua căn hộ cũ tại Hoài Đức, Thanh Trì nhưng sau khi khảo sát giá khiến vợ chồng choáng váng khi giá 2,6 tỷ đồng trở lên. “Căn hộ chung cư Gemek I tại xã An Khánh có diện tích 69m2 đang được bán 2,5 tỷ đồng, trong khi hơn 1 năm trước giá chỉ 1,8 tỷ đồng”, anh Dần thông tin.
Anh Quang Tuyến (31 tuổi) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi tìm hiểu căn hộ tại chung cư Eco Green (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đang rao bán hơn 3 tỷ đồng, mức giá khoảng 43 - 45 triệu đồng/m2. (Xem thêm)
Bộ TNMT đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại không có đất ở
Bộ Tài nguyên và Môi trường ( TN&MT) vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà việc xây dựng, trình Nghị quyết của Quốc hội về "Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác".
Theo Bộ TN&MT, dự thảo nghị quyết có 2 chính sách. Thứ nhất, là chính sách cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 mà đủ điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Chính sách thứ hai là cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với các loại đất khác không phải là đất ở theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai 2024.
Theo dự thảo, loại đất được thực hiện là đất được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại bao gồm các loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 mà đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nhà đầu tư có các loại đất quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024. (Xem thêm)
CapitaLand khởi công dự án Lumi 18.000 tỷ tại Hà Nội
CapitaLand Development (CLD) Việt Nam đã khởi công dự án Lumi Hanoi trên địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa, có 2 mặt tiền là đại lộ Thăng Long và đường vành đai 3,5, nhìn sang 3 khu đô thị lớn là Vinhomes Smart City, Nam An Khánh và Mailand (tức Bắc An Khánh).
Theo CapitaLand, dự án được triển khai theo nhiều giai đoạn, dự kiến cung cấp khoảng 4.000 căn hộ thuộc 9 tòa tháp từ 29-35 tầng. Có nhiều loại hình căn hộ, từ căn 1 phòng ngủ 42m2 đến căn 4 phòng ngủ 135m2. Căn duplex và penthouse với diện tích từ 115m2 và 410m2 cũng sẽ được tích hợp trong dự án. (Xem thêm)
Chủ tịch SGO Land: '2024 là thời điểm vàng để đầu tư bất động sản'
Nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản SGO (SGO Land), cho rằng 2024 là năm khởi đầu cho một chu kỳ mới của thị trường bất động sản. Bởi vậy, đây là năm chứa đựng cơ hội lớn, nhà đầu tư nên nghiên cứu và ra quyết định đầu tư.
Trước hết, phải thấy rằng 2024 là một năm rất quan trọng, năm bản lề, năm tạo nền móng cho một chu kỳ mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Có hai lý do để nhìn nhận như vậy. Một là về vĩ mô, Chính phủ đã đề ra, triển khai nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, giúp nền kinh tế Việt Nam lấy lại được đà tăng trưởng, gia tăng thu nhập của người dân, qua đó thúc đẩy nhu cầu mua bán bất động sản, tức gia tăng thanh khoản cho thị trường. Cùng với đó, việc đẩy mạnh đầu tư công, nhất là xây dựng hạ tầng cũng tạo ra cú hích mạnh mẽ cho bất động sản ở hầu khắp địa phương.
Hai là về pháp luật, vừa qua, Quốc hội đã thông qua 3 đạo luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản. 3 đạo luật này sẽ định hướng cho sự phát triển của thị trường bất động sản trong ít nhất 10 năm tới. Cùng với các đạo luật, các nghị định, thông tư mới cũng được ban hành khá nhiều trong thời gian qua, giúp phá vỡ thế bế tắc về pháp lý cho các dự án, loại hình bất động sản, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy mạnh việc triển khai xây dựng và bán hàng trong năm 2024. (Xem thêm)
BĐS nghỉ dưỡng: ‘Càng kỳ vọng phục hồi sớm lại càng đợi dài như đêm mùa đông’
Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Xuân Nga, Phó chủ tịch HĐQT BHS Group, cho hay trong 5 năm trở lại đây, bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ về nguồn cung, giao dịch tốt ở giai đoạn 2018-2021 trước khi có 2 năm “bất động” vào 2022-2023 do khủng hoảng chung của ngành.
Các khách hàng yêu thích loại hình sản phẩm này có kỳ vọng lớn, nhưng hầu hết các chủ đầu tư ở Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc vận hành bất động sản nghỉ dưỡng. Hơn nữa, các chủ đầu tư thiếu cả kinh nghiệm lựa chọn các đơn vị vận hành khai thác, khiến khả năng khai thác và vận hành kém.
“Điều này dẫn tới càng kỳ vọng thị trường bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng phục hồi sớm thì càng phải đợi dài như đêm mùa đông”, ông Xuân Nga nói.
Theo Phó chủ tịch BHS Group, việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là thách thức lớn nhất của loại hình sản phẩm này trong năm 2024. Dù vậy, trong đầu năm nay, tin tốt là các báo cáo về mức tăng trưởng du lịch ở các thành phố du lịch đều rất khả quan trên khắp cả nước, sau 2 năm “nằm im” thì giá đã được điều chỉnh xuống các mức hợp lý hơn để thu hút các lớp nhà đầu tư mới. (Xem thêm)