Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm 2023

Theo NHNN, nhờ tăng cường giám sát tình hình hoạt động của các TCTD, nhất là tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD được kiểm soát ở mức an toàn, đến cuối năm 2022 là 1,92%. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về nguy cơ nợ xấu tăng trong năm 2023.

 

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm 2023 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

TS.Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, áp lực nợ xấu trong năm 2023 của các nhà băng sẽ lớn. Bởi 80 - 90% tài sản đảm bảo của ngân hàng là bất động sản, nợ xấu tăng cao, phải thanh lý tài sản đảm bảo thì rất khó thanh lý ở thời điểm hiện tại bởi tính thanh khoản của thị trường này đang yếu. Kịch bản này gợi nhớ hoàn cảnh của 10 năm trước, khi thị trường bất động sản “đóng băng”, nợ xấu ngân hàng tăng cao, một số ngân hàng mất thanh khoản dẫn đến phải kiểm soát đặc biệt.

Thống kê của FiinGroup cho thấy, tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 1,6%, tăng so với mức 1,34% hồi đầu năm. Theo FiinGroup, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi cơ chế cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn vì dịch Covid-19 (theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN) kết thúc từ tháng 6/2022. Trong khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ cả bên trong lẫn bên ngoài, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.

Cập nhật số liệu trong báo cáo tài chính quý 4/2022 tại 27 ngân hàng công bố cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ xấu tại các ngân hàng này đã tăng lên trên 136.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% so với năm 2021 là 100.853 tỷ đồng.

Top ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất tính đến cuối năm 2022 còn có sự góp mặt của những đơn vị như Vietbank, ABBank, Ngân hàng Bản Việt, PG Bank, SHB, VIB, OCB, VPBank và Saigonbank. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng này đều trên 2%.

Trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, các chuyên gia cũng cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Hiện Quốc hội đã cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển