VCSC đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng, đổi tên thành ‘Vietcap’ để tránh pha loãng thương hiệu

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ với nhiều nội dung đáng chú ý như kế hoạch kinh doanh, phương án phát hành ESOP, kế hoạch đổi tên thương hiệu,…

VCSC lên kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, đổi tên thành ‘Vietcap’ để tránh pha loãng thương hiệu
VCSC lên kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, đổi tên thành ‘Vietcap’ để tránh pha loãng thương hiệu

Theo tài liệu ĐHCĐ, VCSC lên kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2023 đạt 3.246 tỷ đồng, tăng 2,8% so với mức thực hiện năm 2022. Tổng chi phí dự kiến tăng 7,1%, tương đương đạt 2.246 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6% so với mức thực hiện năm 2022.

Theo đó, các chỉ tiêu tài chính này được xây dựng trên cơ sở VN-Index dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023.

Kế hoạch cổ tức trình ĐHCĐ là 10-20%, uỷ quyền cho HĐQT quyết định.

Ban lãnh đạo VCSC cho biết, lĩnh vực môi giới chứng khoán vẫn sẽ khó khăn trong năm 2023 với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán với chiến lược cho vay ký quỹ cao, áp dụng chính sách miễn/giảm phí giao dịch cùng với việc đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa hồng cao để đội ngũ này chào mời nhà đầu tư mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.

VCSC dự kiến tập trung phát triển lĩnh vực môi giới bán lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân để nắm bắt cơ hội từ sự bùng nổ này. Đây là một trong những chiến lược trọng tâm của năm 2023.

VCSC cũng lên kế hoạch phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho cán bộ công nhân viên (ESOP) năm 2023 với số lượng phát hành là hơn 2 triệu cổ phần, giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phần. Số tiền thu được dự kiến là hơn 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, VCSC cũng trình cổ đông về việc thay đổi tên công ty và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Theo VCSC, công ty chứng khoán này đang được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt.

“Điều này đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu của công ty, do đó phải nhanh chóng đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu của công ty”, tài liệu ĐHCĐ VCSC nêu rõ.

Mặt khác, tên gọi “Chứng khoán Bản Việt” có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước có tên tương tự. VCSC trình cổ đông thay tên công ty thành “Vietcap” để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu, cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu của công ty.

Một nội dung khác mà VCSC trình ĐHCĐ là phương án xử lý quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ.

Theo đó, VCSC cho biết vào ngày 17/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 114/2021/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số 146/2014/TT-BTC.

Thông tư số 114/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 114/2021/TT-BTC quy định: “Đối với số dư quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ được trích lập theo quy định tại Thông tư số 146/2014/TT-BTC, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam bổ sung vốn điều lệ hoặc sử dụng theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty theo quy định tại Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14, các văn bản hướng dẫn và Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chứng khoán.”

HĐQT VCSC trình ĐHCĐ thông qua việc hoàn nhập toàn bộ nguồn quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ nêu trên vào lợi nhuận chưa phân phối của công ty, dự kiến ghi nhận vào báo cáo tài chính quý II/2023. Tính đến cuối năm 2022, quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ của VCSC là hơn 233 tỷ đồng.

Hải Đường

VietnamFinance