Nguy cơ nợ xấu từ tín dụng bất động sản: Con dao hai lưỡi...

Đổ tiền vào BĐS là con dao 2 lưỡi, có thể đem lại lợi nhuận nhưng rủi ro rất cao.Khi các bên lợi dụng nhau thì điều này càng dễ xảy ra.

Bất chấp nguy hiểm vì lợi nhuận

Trong báo cáo tài chính hết Quý III/2019, hàng loạt doanh nghiệp BĐS thông báo kinh doanh lỗ sau khi phát hành thành công hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Đa phần những đơn vị mua trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS này là ngân hàng thương mại. Đa phần những đơn vị mua trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS này là ngân hàng thương mại. Trong tổng số 36.876 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, có 7.410 tỷ đồng (20,1%) được mua bởi các ngân hàng thương mại.

Có 9 ngân hàng thương mại đã mua vào 11.160 tỷ đồng, chiếm 9,6% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019 trong đó mua nhiều nhất là MBBank (3.770 tỷ đồng) rồi đến PVCombank (1.900 tỷ đồng), Techcombank (1.510 tỷ đồng), MSB (1.150 tỷ đồng)...

Tuy nhiên, khi loạt các doanh nghiệp BĐS thông báo kinh doanh lỗ các ngân hàng đã phải giảm quy mô đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Đơn cử như Techcombank - ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống giảm 30% quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong quý 3.

Việc kinh doanh thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp đặt ra câu hỏi về khả năng thanh toán lãi và gốc trái phiếu khi đến hạn của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu quy mô lớn trong thời gian vừa qua, dù đến nay chưa có doanh nghiệp nào "chậm thanh toán".

Ngày 1/11/2019, trao đổi với Đất Việt về vấn đề trên, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, loạt doanh nghiệp BĐS báo kinh doanh lỗ sau khi hút được hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu từ các ngân hàng thương mại dẫn đến nguy cơ nợ xấu rất cao có thể xảy ra. Tín hiệu kinh doanh từ các doanh nghiệp BĐS đã cho thấy nguy cơ này đang hiện hữu trước mắt.

"Bất động sản là thị trường thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế nếu hoạt động không đúng hướng và bị lợi dụng bởi một nhóm nào đó. Ở thời kỳ nào, quốc gia nào bao giờ cũng xảy ra vấn đề đó. Chính vì thế, bất động sản là thị trường cực kỳ rủi ro mà chúng ta phải cảnh giác" - TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Theo ông Kiêm, tiền mua trái phiếu từ ngân hàng thực chất là một khoản cho vay chứ không phải là một khoản đầu tư. Khoản vay thông qua trái phiếu này khác với khoản vay tín dụng BĐS là số tiền thu về được từ phát hành trái phiếu có thể được doanh nghiệp đầu tư vào BĐS. Khi thị trường bất động sản mang tính đầu cơ, phá hoại nền kinh tế thì người quản lý, các ngân hàng phải rất tỉnh táo, cảnh giác.

Với việc doanh nghiệp bất động sản bán trái phiếu mà ngân hàng mua để rót vốn vào đầu tư thì có thể xảy ra 2 lý do:

Một là, sự yếu kém của ngân hàng, không quản lý chặt chẽ, kiểm soát được việc cho vay dẫn đến doanh nghiệp bất động sản lợi dụng để chuộc lợi.

Hai là, ngân hàng thương mại bản chất cũng là một doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng là doanh nghiệp. Hai doanh nghiệp này lợi dụng lẫn nhau để đem lợi ích về cho riêng mình. Khi mà Ngân hàng Nhà nước đang quản lý rất chặt vấn đề hạn mức tín dụng bất động sản thì buộc các ngân hàng phải tìm cách "lách" các quy định của NHNN để rót vốn vào đầu tư loại hình này. Bởi, mua trái phiếu hiện chưa nằm trong sự quản lý tín dụng vào bất động sản của NHNN.

Như thế, chủ đầu tư bất động sản vừa có vốn để kinh doanh, còn ngân hàng vừa có thể trốn được chỉ tiêu cho vay tín dụng bất động sản.

Nếu trong trường hợp doanh nghiệp bất động sản kinh doanh thất bại dẫn đến ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp đó cũng thất bại thì ảnh hưởng đến tăng trưởng, nền kinh tế, nguy cơ nợ xấu cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín đầu tư đối với các doanh nghiệp ngoại.

Nhìn vào cơ cấu đầu tư của một số ngân hàng, có thể thấy hầu hết những nhà phát hành trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ hiện là “con nợ” của ngân hàng này. TS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight từng cảnh báo "điều này rất nguy hiểm!"

Bởi, việc mua trái phiếu của "con nợ" dễ dẫn đến nguy cơ đảo nợ ngân hàng tư các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ dùng chính số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu để trả nợ ngân hàng và tiếp tục khoản vay mới. Như thế, nợ vẫn hoàn nợ.

Vì sao chưa xử lý?

Trước nguy cơ nợ xấu từ việc mua trái phiếu từ các ngân hàng, cũng phải nói rằng NHNN đã có nhiều văn bản quy định, cảnh báo tình trạng đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng này vẫn tái diễn.

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, vấn đề này là do khâu tổ chức thực hiện, chấp hành. Hệ thống quản lý của chúng ta đều đầy đủ nhưng người thực hiện chưa nghiêm túc, vẫn còn có tình trạng buông lỏng hoặc xu xê, không kiên quyết xử lý. Dẫn đến việc, anh này nhìn thấy anh kia "lách" được thì mình cũng "lách" được, thành tiền lệ xấu.

Còn doanh nghiệp thì có ý đồ, tìm cách làm sao để vượt qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng để có báo cáo đẹp, có lợi nhuận tăng trưởng mà bất chấp tất cả.

"Với những ngân hàng cố tình vi phạm quy định, cảnh báo thì NHNN phải tăng cường quản lý, kiểm soát và xử lý nghiêm. Việc phát hiện những ngân hàng cố tình lách luật, vi phạm là điều không khó, trên hệ thống sổ sách, báo cáo tài chính hàng năm đều thể hiện rõ cả. Chỉ có điều, người phụ trách quản lý của NHNN thực sự làm nghiêm vấn đề này hay không thôi!" - ông Kiêm bày tỏ.
 

Theo Tiến Hưng/Báo Đất Việt

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nguy-co-no-xau-tu-tin-dung-bds-con-dao-hai-luoi-3390659/

Tin liên quan