Nhà bán lẻ đổ về ga metro: Đặt chỗ sớm ở điểm kinh doanh nghìn tỷ

Với hàng triệu người dân di chuyển bằng Metro Bến Thành - Suối Tiên tại TP. HCM, các nhà ga đang mở ra cơ hội kinh doanh bán lẻ hấp dẫn, cũng như hội tụ các chuỗi cửa hàng tiện ích, cà phê, thức ăn nhanh

Bán hàng cho hàng triệu lượt khách đi metro

Mới đây, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP. HCM (HURC) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2025-2028.

Sau hơn hai tháng triển khai 24 máy bán nước uống tự động tại 14 nhà ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đem lại cho SATRA doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12/2024, sau 3 tháng vận hàng, Metro đạt trung bình hơn 200 chuyến mỗi ngày và thu hút 6,3 triệu lượt hành khách.

Mục tiêu đến năm 2045, TP. HCM phải có hơn 500km đường sắt đô thị, trong đó tuyến Metro số 2 dự kiến khởi công vào cuối năm 2025. Cùng với việc mở các tuyến metro, hoạt động thương mại bán lẻ hiện đại cho tuyến đường sắt đô thị cũng cần được chuẩn bị phù hợp.

TP. HCM sẽ phát triển hệ thống bán lẻ tại các nhà ga metro số 1 (ảnh minh họa)  
TP. HCM sẽ phát triển hệ thống bán lẻ tại các nhà ga metro số 1 (ảnh minh họa)  

Theo thỏa thuận vừa ký kết, HURC và SATRA tập trung 4 trọng tâm, bao gồm, cùng khai thác các giải pháp thanh toán không tiền mặt, tích hợp thẻ metro vào hệ thống thanh toán của SATRA; nghiên cứu phát triển hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi theo các nhà ga; nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, vận hành của hệ thống metro.

Trước đó, ngày 24/2, Liên hiệp HTX Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Theo đó, 2 bên tập trung nghiên cứu phát triển hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện lợi thương hiệu Co.op theo các nhà ga metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm nhanh, tiện lợi của hành khách. Cùng với đó, khai thác các giải pháp thanh toán không tiền mặt, triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mãi dành riêng cho hành khách tuyến metro.

Theo dự kiến, các nhà ga của Metro số 1 trong thời gian tới sẽ có những cửa hàng tiện lợi, điểm mua sắm phục vụ khách đi tàu. Đây là phương án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt đô thị mà các bên liên quan đã trình UBND TP. HCM từ cuối năm ngoái.

Cụ thể, bên trong nhà ga sẽ được triển khai các dịch vụ thương mại như trụ ATM, cửa hàng tiện lợi, máy bán hàng tự động, các doanh nghiệp muốn kinh doanh tại ga sẽ thông qua hình thức đấu giá.

Một nhà bán lẻ ngoại với nhiều chuỗi siêu thị có tiếng tại Việt Nam cũng đã tính toán đến việc mở điểm bán ở các nhà ga. Cụ thể hơn, nhà bán lẻ này đang phát triển mô hình siêu thị và đại siêu thị, nên vẫn đang chờ cơ hội phù hợp để có thể mở rộng quanh các nhà ga, như tại các khu TOD (đô thị dọc theo tuyến metro) .

Nhà ga metro thành điểm hội tụ dịch vụ đa tiện ích

Thực tế, gần 20 km tuyến metro số 1 với 14 nhà ga, nhưng hiện mới chỉ có ga An Phú là nơi hành khách có thể trải nghiệm mua sắm, ăn uống tại trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP. Thủ Đức).

Đây cũng là lý do dễ hiểu khi tại nhà ga này từ Tết Ất Tỵ đến đây, lượng khách đến vui chơi, mua sắm, ăn uống tăng lên gấp nhiều lần so với hình ảnh chỉ nhộn nhịp vào cuối tuần trước đó. Trung tâm thương mại này hình thành từ 10 năm trước và “may mắn” nằm ngay nhà ga An Phú với rất nhiều tiện ích.

Cũng từ khi tuyến Metro số 1 vận hành, nơi này liên tục chào đón thêm loạt thương hiệu thời trang, hàng tiêu dùng đổ bộ. Ngay sau Tết, các chuỗi thời trang, hàng gia dụng nổi tiếng như Uniqlo, Homé cóordy… đã nhanh chóng đặt cửa hàng tại đây.

Với lượng khách lớn, trung bình quanh 70.000 lượt/ngày, việc có thêm các điểm mua sắm, vui chơi, các cửa hàng tiện lợi, hàng ăn nhanh để phục vụ nhu cầu của khách tại các nhà ga là điều không thể chần chừ.

Nhà bán lẻ đổ về ga metro: Đặt chỗ sớm ở điểm kinh doanh nghìn tỷ - Ảnh 1

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, ở các nước, nhà ga metro đáp ứng rất nhiều nhu cầu của người đi tàu từ rút tiền mặt, đổi ngoại tệ, mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, mua sắm thời trang, thưởng thức ẩm thực… Có nơi ga tàu điện còn là không gian biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật của các nghệ sĩ tự do và người dân.

Ông nói xung quanh các nhà ga Metro số 1 phải có các dịch vụ thương mại đi kèm, có khu dân cư, có nơi mua sắm, vui chơi mới đáp ứng nhu cầu. Nên để thu hút khách đi tàu, sử dụng tàu với hiệu suất lấp đầy 80-90% như kỳ vọng, rất cần xây dựng ngay các hệ thống tiện ích. Có tiện ích thì mới thu hút khách sử dụng tàu thường xuyên.

Để phát huy hiệu quả đầu tư chuỗi thương mại, UBND TP. HCM yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương và cơ quan liên quan rà soát kỹ quy hoạch và thiết kế chi tiết các nhà ga để xác định những địa điểm, vị trí, quy mô phù hợp nhằm thu hút đầu tư tạo sự minh bạch, công bằng và tránh lãng phí.

Xa hơn là phát triển TOD để gia tăng lượng dân cư sinh sống và làm việc quanh metro, đây chính là tệp hành khách sử dụng metro hàng ngày, và chính họ cũng là người sử dụng các dịch vụ ăn theo ở các nhà ga.

Trong đề án đường sắt đô thị TP. HCM đã được Chính phủ thông qua, đến năm 2035 thành phố cần 355 km đường sắt đô thị và đến 2045 sẽ là 510 km. Song hành cùng sự phát triển này, hoạt động thương mại bán lẻ hiện đại cho tuyến đường sắt đô thị cũng cần được chuẩn bị phù hợp.

Với chiều dài 19,7km và 14 ga, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12/2024, đánh dấu bước chuyển mình của hệ thống giao thông đô thị TP. HCM.

Trần Lê

Theo VietnamFinance