Nhà đầu tư bất động sản vẫn 'chùn bước' dù room tín dụng đã được nới?
Nhiều nhà đầu tư quyết định giữ đất và chờ đợi sự phục hồi của thị trường khi được nới room tín dụng, tuy nhiên chính sách nới room tín dụng mới chỉ tập trung ưu tiên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Do tác động của nhiều yếu tố, thời gian qua thị trường bất động sản rơi vào giao đoạn trầm lắng. Thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước rới room tín dụng đã nhóm lên tia hy vọng về sự phục hồi của thị trường địa ốc.
Nhưng trên thực tế, có khoảng 14-15 tổ chức tín dụng được điều chỉnh tăng room tín dụng với mức tăng từ 1-4%. Hạn mức tăng tín dụng lớn nhất thuộc nhóm Big 4, với tổng hạn mức tín dụng được tăng thêm xấp xỉ khoảng 100.000 tỉ đồng. Điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỉ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng.
SSI Research nhận định con số này có thể phần nào giải toả “cơn khát” tín dụng, nhưng khó đáp ứng được hết nhu cầu của doanh nghiệp. Việc nới room tín dụng lần này của Ngân hàng Nhà nước vẫn là một nước đi thận trọng, nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Với việc dòng tiền bơm vào ngân hàng không nhiều, các tổ chức tín dụng vẫn phải lựa chọn kỹ càng các đối tượng được vay, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Bất động sản không nằm trong nhóm được ưu tiên.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, thời hạn quay vòng vốn trong lĩnh vực bất động sản rất dài, bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh khác. Các kết quả khảo sát cho thấy, vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản. Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng, doanh nghiệp địa ốc sẽ càng tăng thâm dụng vốn. Hệ lụy thấy rõ trên thị trường những tháng vừa qua khi thanh khoản giảm mạnh mà giá sản phẩm vẫn tiếp tục tăng.
Một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, hạn mức tín dụng chỉ là một yếu tố tác động lên thị trường ở thời điểm hiện tại, bên cạnh đó còn có những bài toán khác cần thời gian dài để giải quyết. Đối với các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng, những diễn biến mới về việc tăng lãi suất vay cũng sẽ là một rào cản không nhỏ.
Trên thực tế, lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 6,88%/năm. Đây cũng là mức lãi suất qua đêm cao nhất trên thị trường liên ngân hàng trong gần 10 năm qua. Các ngân hàng phải chấp nhận vay của nhau với chi phí vốn cao hơn cả lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ người dân, doanh nghiệp.
Lãi suất vay tăng sẽ tạo nên áp lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh vay ngân hàng vẫn là hình thức khả dĩ nhất để đầu tư. Việc khó tiếp cận nguồn tín dụng không chỉ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư khó duy trì hoạt động kinh doanh mà còn giảm sức mua của khách hàng.
Theo VNDirect, lãi suất vay mua nhà đã tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại và dự báo có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối nay. Ngoài ra, trong bối cảnh tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân dự báo có thể tăng lên 10-10,5%/năm vào cuối năm.
Nhận định về ảnh hưởng của việc động thái chính thức nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng đây là thông tin rất có lợi cho các ngân hàng hiện nay.
Một mặt giúp các ngân hàng duy trì nền tảng khách hàng khi mà nhiều doanh nghiệp trong thời gian vừa qua không giải ngân được. Bên cạnh đó, việc này cũng đảm bảo được tăng trưởng cho các ngân hàng khi mà 6 tháng đầu năm room đã full hết và dư địa tăng trưởng yếu đi. Trong bối cảnh lãi suát tăng lên, như vậy room mới sẽ giúp cho ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu từ lãi.
Ngoài ra, điều này cũng tránh đi việc gia tăng nợ xấu. Thực chất, các ngân hàng trong thời điểm cuối năm thường xuyên xảy ra việc đảo nợ. Khi room mới không có, thì việc đảo nợ sẽ trở nên khó khăn hơn, dễ dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhảy nhóm nợ và phát sinh nợ xấu.
Về phía các doanh nghiệp, việc nới room tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cấp tín dụng, có thêm nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh hay đảo nợ. Bởi vì, đây là thời điểm chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm, doanh nghiệp cần chuẩn bị đơn hàng cho mùa lễ sắp tới.
Một điểm thuận lợi nữa là giá nguyên vật liệu đầu vào đang có dấu hiệu giảm xuống, như vậy khi có nguồn vốn vay thì các doanh nghiệp sẽ tranh thủ nhập nhiều hơn để phòng thủ trường hợp giá nguyên liệu có xu hướng tăng trở lại. Qua đó giúp doanh nghiệp chủ động trong việc nhập nguyên liệu đầu vào, cũng như tăng quy mô sản xuất phục vụ cho những tháng cuối năm.
Khi nhóm ngân hàng hàng có sự thuận lợi này thì sẽ hỗ trợ được đà tăng của thị trường, tránh cú sốc giảm sâu khi thị trường đang còn đối mặt với nhiều khó khăn như lãi suất tăng hay những cuộc địa chính trị.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Thế Minh, việc cấp room này về cơ bản sẽ tác động tương đối ít chứ chưa đủ quy mô và lực mạnh để tạo ra những cú hích lớn cho dòng ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.