Nhà ga 11.000 tỷ đồng tương lai sẽ là 'thành phố hàng không' hàng đầu của Việt Nam
Không chỉ mang hình dáng tà áo dài, nhà ga này còn có khu tổ hợp dịch vụ phi hàng không mới lạ so với các nhà ga sân bay ở Việt Nam.
Ngày 19/11, ông Lê Khắc Hồng cùng các chủ nhà thầu tổ chức cuộc gặp gỡ với báo chí thông tin về tiến độ, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Công trình được quy hoạch trên khu đất hơn 16ha có diện tích hình học không vuông vắn và chật hẹp, vì thế, hội đồng thẩm định đã lấy ý tưởng thiết kế từ hình ảnh trang phục áo dài truyền thống - một biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ có hình dáng tà áo dài, dự án còn mang một thiết kế mới so với các nhà ga và lần đầu được xây dựng ở Việt Nam. Đây là nhà ga xây mới, công suất 20 triệu khách/năm, theo ông Hồng là nhà ga nội địa lớn nhất trên cả nước. Khi đưa vào khai thác, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm nhà ga T1, T2, T3 sẽ đạt 50 triệu khách/năm.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có ba hạng mục chính. Cụ thể, hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt.
Hạng mục nhà xe và trung tâm dịch vụ phi hàng không. Đây là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu. Bên cạnh đó, còn có hạng mục hệ thống đường tầng và công trình phụ trợ như sân đỗ máy bay, sân đỗ ô tô, đường giao thông nội cảng...
Cho biết đến nay, không còn vướng mắc khó khăn về đất đai hơn 16ha cho dự án nhà ga T3. Theo tính toán của chủ đầu tư, tháng 6/2025 sẽ đưa vào khai thác nhà ga mới này.
Trưởng ban dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho biết sẽ tích hợp đa dạng các công nghệ, tiện ích ở nhà ga mới này. Điều này nâng tầm trải nghiệm mới mẻ đến khách hàng và hướng nhà ga này là "thành phố hàng không".
"Ý tưởng này ở nước ngoài phổ biến nhưng Việt Nam mới hình thành. Chúng tôi sẽ mang dịch vụ 'thành phố hàng không' triển khai ở nhà ga T3, tăng tiếp xúc giữa người đi và người đưa tiễn", ông Hồng nói.
Nhà ga T3 vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiot check-in, 27 cửa ra tàu bay. Bên cạnh đó, nhà ga có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách đi.
Đặc biệt nhà ga được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ hành khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên...
Trước đó, đại diện chủ đầu tư cho biết, ý tưởng thiết kế nhà ga T3 được lấy cảm hứng từ những nét đặc sắc về văn hóa, con người và vẻ đẹp tự nhiên của đất nước Việt Nam và được hội đồng thẩm định lựa chọn.
Hình ảnh lớp mái cong mềm mại trải dài từ nhà ga đến vườn trung tâm của công trình phức hợp thương mại - văn phòng gợi nhớ đến đường nét mềm mại của tà áo dài, biểu trưng cho sự duyên dáng, thanh lịch.
Bằng việc tận dụng đặc điểm quy mô rộng lớn của sân bay để tạo nên nét kiến trúc độc đáo, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam, hành khách khi đến với nhà ga T3 sẽ có một ấn tượng về một kiến trúc biểu tượng của sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo thiết kế này, hành khách khi bắt đầu đến sân bay sẽ được chào đón bởi các hàng cây xanh bản xứ dọc theo tuyến đường trục chính, tạo thành một hành lang xanh kết nối với thành phố. Thiết kế thông gió tự nhiên và mái lấy sáng, kết hợp với các mảng xanh từ khu vực cảnh quan, công viên, quảng trường trên cao, hồ nước trang trí, tường xanh, tạo nên một kết nối đồng điệu với thiên nhiên.