Nhà hàng phá cảnh Mã Pì Lèng: Chậm trễ phải cưỡng chế!
Chủ đầu tư không thực hiện phương án tháo dỡ đúng theo thời gian yêu cầu thì cơ quan chức năng Hà Giang phải tiến hành cưỡng chế, xử phạt.
Ngày 18/11/2019, trao đổi với Đất Việt, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, đơn vị vẫn chưa nhận được phương án tháo dỡ nhà hàng trên đỉnh Mã Pì Lèng của bà Vũ Thị Ánh (57 tuổi, ngụ TP. Hà Giang) - chủ công trình.
Trước đó, ngày 16/10/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn có văn bản yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng Mã Pì Lèng Panorama tạm dừng hoạt động, xây dựng phương án kiến trúc để cải tạo, chỉnh trang công trình theo hướng hòa hợp với cảnh quan tự nhiên, thân thiện với môi trường, phù hợp với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây và có hồ sơ gửi về cơ quan chức năng trước ngày 22/10/2019.
Trên cơ sở phương án cải tạo, chỉnh trang công trình của chủ đầu tư, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan thẩm định phương án, hoàn thành trước ngày 25/10/2019.
Việc chủ đầu tư nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng không thực hiện theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng khiến công việc xử lý sai phạm gặp vướng mắc, trì trệ.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, luật sư Trần Quốc Huy - Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, nếu chủ công trình chậm trễ, cố tình không thực hiện theo yêu cầu thì cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang phải tự lên phương án cải tạo, tháo dỡ và cưỡng chế sai phạm.
"Theo quy định trong trật tự xây dựng thì trong vòng 60 ngày kể từ ngày phát hiện ra sai phạm, chủ đầu tư phải thực hiện hoàn trả hiện trạng như ban đầu nếu không thì sẽ bị tiến hành cưỡng chế" - ông Huy cho biết.
Theo vị luật sư, sự trậm trễ của chủ công trình nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng là điều khó hiểu. Nếu không có nguyên nhân chính đáng cho việc này thì điều đó chứng tỏ chủ công trình đang chây ỳ, kéo dài thời gian vi phạm.
Trong khi đó, vụ việc nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng được dư luận quan tâm. "Muốn xử lý dứt điểm để tránh những hệ quả cho tương lai thì phía cơ quan chức năng phải tiến hành xử lý nghiêm, buộc chủ đầu tư phải thực hiện theo yêu cầu.
Nếu chủ đầu tư không thực hiện theo tiến độ thời gian thì cơ quan chức năng Hà Giang có quyền gửi tiếp văn bản nhắc nhở, thông báo, đồng thời nêu rõ thời hạn cuối để bà Ánh gửi phương án tháo dỡ. Còn nếu chủ đầu tư vẫn cố tình chây ỳ phải cưỡng chế" - ông Huy một lần nữa nhấn mạnh.
Được biết, công trình nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng được xây dựng trong bối cảnh UBND huyện Mèo Vạc có chủ trương thu hút đầu tư phục vụ khách du lịch.
Năm 2009, bà Ánh mua khu đất này với mục đích nuôi ong nhưng sau đó chính quyền địa phương chủ trương khu đất phải được làm dự án phục vụ khách du lịch nếu không sẽ thu hồi. Bà Ánh chỉ có 10 ngày để đưa ra quyết định của mình.
Theo bà Ánh, thời điểm dự án thi công, cơ quan chức năng có đến xem xét, giám sát. Thậm chí, cán bộ quản lý còn dọn rác giúp, chỉ đạo ngành điện hỗ trợ cung cấp đường điện để phục vụ dự án.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 18/11, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý thông tin báo chí nêu hàng loạt công trình dự án xây dựng sai phép, xâm phạm các di sản miền núi.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ liên quan nghiên cứu xử lý loạt vụ việc xây dựng không phép, xâm phạm di sản miền núi nhưng các bộ, ngành đùn đẩy, không đưa ra giải pháp triệt để.
Trong đó, Hà Giang có 2 vụ việc là nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng và khu du lịch tâm linh Lũng Cú. Những công trình, dự án này có nhiều sai phạm như chưa được cấp chứng nhận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, nằm trong vùng bảo vệ di tích nhưng vẫn xây dựng khi chưa có ý kiến của Bộ VHTT&DL...
Theo Thanh Vân/ Báo Đất Việt