Nhật Thăng VNT7 và quan hệ mật thiết với Vietracimex của 'đại gia' Võ Nhật Thăng
Cục thuế TP Hà Nội vừa có kết luận thanh tra thuế tại Công ty cổ phần Nhật Thăng VNT7, địa chỉ tại số 201 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo đó, Cục thuế TP Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Nhật Thăng VNT7 nộp ngay số tiền thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, tổng số tiền gần 1,95 tỷ đồng.
Cụ thể, xử phạt đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; hoặc không dẫn đến tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn theo quy định số tiền 13,65 triệu đồng.
Tiếp đó, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn theo quy định, mức phạt 20% tính trên số thuế thiếu do khai sai số tiền hơn 285,1 triệu đồng.
Cùng với đó, truy thu số thuế TNDN tăng qua thanh tra, tổng số tiền hơn 1,42 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là hơn 1,14 tỷ đồng; năm 2023 là hơn 281,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó là tiền chậm nộp tiền thuế số tiền hơn 222,7 triệu đồng. Số tiền chậm nộp tiền thuế nêu trên được tính đến hết ngày 13/11/2024.
Cục thuế TP Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Nhật Thăng VNT7 tự tính và nộp số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ ngày 14/11/2024 đến ngày nộp đủ số tiền thuế chậm nộp vào NSNN.
Đáng chú ý, công ty có tình tiết tăng nặng đó là vi phạm hành chính nhiều lần (khai sai các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế nhưng không dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp của 4 kỳ kê khai thuế GTGT).
"Mắt xích" trong hệ sinh thái của Vietracimex
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Nhật Thăng VNT7 thành lập năm 2006, trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex, từ tháng 4/2019 gọi tắt là WTO), là một doanh nghiệp dẫn dầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩ bột đá vôi siêu mịn (CaCO3), không tráng phủ và có tráng phủ axit stearic ở Việt Nam.
Công ty có nhà máy sản xuất bột đá trắng siêu mịn và tráng phủ men sứ công nghệ tiên tiến có công suất thiết kế là 490.000 tấn/năm, với tổng mặt bằng là 11,14ha đặt trong công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Thời điểm tháng 11/2018, người đại diện của Công ty cổ phần Nhật Thăng VNT7 là Trương Anh Tuấn, sinh năm 1980, chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Tới tháng 3/2019, công ty thay đổi người đại diện pháp luật sang Nguyễn Thị Kim Chi, sinh năm 1975, chức vụ Chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ của công ty là 100 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng công ty Cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập năm 1961 thuộc Cục Cung cấp vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.
Sau khi cổ phần hóa vào năm 2005, ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) thâu tóm 93,37% cổ phần của Vietracimex. Trong chặng đường phát triển, công ty liên tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh và có tới hàng chục công ty thành viên. Trong đó, có 4 lĩnh vực chính là: bất động sản; sản xuất công nghiệp; năng lượng và thương mại dịch vụ.
Hệ sinh thái của Vietracimex từng có nhiều công ty con mang tên Nhật Thăng gồm: CTCP Nhật Thăng VNT6, CTCP Nhật Thăng VNT7, CTCP Nhật Thăng VNT10.
Trong lĩnh vực bất động sản, Vietracimex là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); Dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); Dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); Dự án Khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha); Sân Golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…
Trong lĩnh vực năng lượng, Vietracimex sở hữu nhiều dự án thủy điện như: Nhà máy thủy điện Tà Thàng tại Lào Cai (công suất 60MW, tổng vốn đầu tư 2.147 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Bắc Mê tại Hà Giang (công suất 45MW, tổng vốn đầu tư 2.394 tỷ đồng); Nhà máy thủy điện Nậm Mô 1 (công suất 90MW, tổng vốn đầu tư 4.128 tỷ đồng); Nhà máy thuỷ điện Mỹ Lý 1 (công suất 180MW, tổng vốn đầu tư 7.824 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Vietracimex sở hữu trong tay nhiều dự án như: Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A (công suất 150MW, tổng mức đầu tư 4.198 tỷ đồng); Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B (công suất 100MW, tổng mức đầu tư 2.832 tỷ đồng); Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100MW); và hai dự án điện gió công suất 400MW tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Sóc Trăng.
Ở mảng sản xuất công nghiệp, Vietracimex sở hữu nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất 350.000 tấn/năm.