Nhiều câu hỏi để ngỏ trong vụ khách tố mất 26 tỷ tại VPBank
TNNĐ- Liên quan đến vụ khách tố mất 26 tỷ tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), từ thông tin chính thức từ ngân hàng này cũng như diễn biến sự việc, còn có những điểm cần được làm rõ.
>>> Vợ đột quỵ, ngân hàng không cho chồng rút tiền tiết kiệm
Sáng 24/8, một số tờ báo đưa tin việc bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở ở Củ Chi, TP HCM - chuyên mua bán nông sản) phản ánh bị mất hơn 26 tỷ đồng gửi trong tài khoản VPBank.
Thông tin trên ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, cả ở hai chiều. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ vụ việc này sẽ thấy có những điểm được thông tin thêm cần được làm rõ.
VPBank cam kết luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Những mâu thuẫn khó hiểu
Như thông tin VPBank công bố, tháng 3/2015, công ty Quang Huân làm thủ tục mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng này. Hồ sơ thủ tục mở tài khoản có mẫu chữ ký chủ tài khoản và con dấu công ty, được dùng làm hồ sơ gốc để đối chứng cho các giao dịch về sau.
Tài khoản được mở, công ty Quang Huân dùng để giao dịch với đối tác, khách hàng từ tháng 3/2015. Đến tháng 7/2015, bà Xuân phát hiện tiền bị rút, chuyển bằng séc bởi những người liên quan nói trên. Kiểm tra hồ sơ thì chữ ký mẫu không phải của bà. Theo đó, nghi vấn hồ sơ bị giả mạo chữ ký và con dấu đặt ra.
Câu hỏi đầu tiên: khi phát hiện tài khoản bị mất tiền là tháng 7/2015, nhưng theo thông tin của VPBank, đến tận ngày 19/10/2015, tức là khoảng 3 tháng sau khi xảy ra vụ việc, ngân hàng này mới nhận được đơn tố cáo của bà Xuân?
Câu hỏi thứ hai: nội dung tố cáo của bà Xuân cho rằng ông Phạm Văn Trinh (nhân viên kế toán công ty Quang Huân) và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của công ty Quang Huân số tiền là 11,3 tỷ đồng. Đến nay, sau một thời gian khá dài, thông tin bà phản ánh trên báo lại là 26 tỷ đồng?
VPBank cho biết, sau khi có đơn tố cáo, ngân hàng đã mời ông Phạm Văn Trinh lên làm việc, cùng với luật sư của ông Trinh. Biên bản làm việc ghi, ông Trinh thừa nhận: chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản là do ông này ký thay bà Xuân, do bà Xuân nhờ, việc nhờ này là bằng miệng; còn con dấu do bà Xuân đóng.
Cũng theo thông tin từ ông Trinh đưa ra tại buổi làm việc với VPBank, bà Xuân không trực tiếp thực hiện các giao dịch của công ty Quang Huân với VPBank; và các giao dịch mà ông Trinh thực hiện là theo chỉ đạo của bà Xuân.
>>> Khách hàng "dũng cảm" tới mức tự chặt cả tay, chân để lừa tiền bồi thường, các công ty bảo hiểm phải đối phó như thế nào? |
Ông Trinh cũng khẳng định, mỗi lần rút tiền tại VPBank đều có 4-5 nhân viên công ty đi cùng, trong đó có cả con trai hoặc con gái của bà Xuân. Và các món tiền sau đó được ông này chuyển lại cho bà Xuân, mà ông Trinh khẳng định là có các chứng cứ, cũng như có lần bà Xuân gọi ông đến nhà để lấy séc đi rút tiền…
Đó là những thông tin quan trọng từ ông Trinh - người nhận là nhân viên kế toán của công ty Quang Huân, xác nhận qua biên bản làm việc với VPBank. Biên bản này cũng đã được VPBank chuyển cơ quan điều tra. Tính xác thực thông tin trong biên bản làm việc và các chứng cứ, lần theo các giao dịch rút, giao, nộp tiền cần được làm rõ.
Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp của VPBank cho rằng, tiền từ tài khoản công ty Quang Huân không bị mất đi, mà nằm ở quan hệ và giao dịch giữa ông Trinh với bà Xuân - điểm đang chờ đợi cơ quan công an làm rõ.
Việc ký thay nói trên ông Trinh chỉ nói ra khi sự việc tố cáo xảy ra, VPBank mới tiếp nhận được. Và câu hỏi tiếp theo, theo như VPBank nêu trong thông cáo, họ mời bà Xuân lên đối chất với ông Trinh để làm rõ, thì bà Xuân không hợp tác, không chịu đối chất.
Câu hỏi nữa: sau khi tài khoản được mở, công ty Quang Huân sử dụng để giao dịch với các đối tác, khách hàng. Tiền đến, tiền đi được báo bằng tin nhắn từ ngân hàng, báo biến động số dư tài khoản và nội dung giao dịch, đến đầu số điện thoại đăng ký dịch vụ, là số mà VPBank xác minh đúng là của bà Xuân dùng.
Phản ánh trên báo chí, bà Xuân cho biết không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch rút và chuyển tiền liên quan. Trong khi đó, VPBank cho biết hệ thống dữ liệu đã sao lưu chi tiết tất cả các tin nhắn.
Câu hỏi là: trong suốt thời gian dài công ty sử dụng tài khoản, bà Xuân đã không biết và không cập nhật được tình hình giao dịch với đối tác khách hàng qua tin nhắn dịch vụ báo cáo biến động số dư tài khoản và nội dung các giao dịch? Có tình huống tin nhắn bị chặn hay không?
Qua thông tin từ hai chiều nói trên, điểm chính của sự việc nằm ở mẫu chữ ký và con dấu trong hồ sơ gốc đăng ký mở tài khoản. Tiếp đến là việc chuyển giao lại séc sau khi mua và tiền sau khi rút ra chuyển đến tay bà Xuân trên thực tế có thực hay không?
Những câu hỏi trên cũng phải chờ cơ quan công an vào cuộc.
Tài khoản được cả hai bên thừa nhận
Qua sự việc này cho thấy một kẽ hở trong hoạt động ngân hàng nói chung, chính lãnh đạo VPBank cũng nhìn nhận điểm này trên thực tế.
Đó là, theo quy trình, doanh nghiệp mở tài khoản thanh toán, ngân hàng nhận hồ sơ trong đó có chữ ký và con dấu đăng ký với ngân hàng. Ngân hàng xem đây là hồ sơ gốc, bản đối chiếu quyết định cho các giao dịch về sau.
Như trong sự việc trên, nếu người đến giao dịch có séc khớp chữ ký mẫu và con dấu trong hồ sơ gốc đăng ký mở tài khoản đó, thì giao dịch được thực hiện.
Với trường hợp của công ty Quang Huân nói trên, tài khoản đã được mở, công ty dùng để giao dịch suốt thời gian dài cho đến khi có sự việc phát sinh và tố cáo liên quan. Tức là, trong thời gian được công ty sử dụng để giao dịch, tài khoản đó được cả hai bên thừa nhận.
Thế nhưng, như tường trình của ông Trinh nói trên, cũng như nghi vấn đang đặt ra, chữ ký mẫu là do người khác ký thay chủ tài khoản. Nó là chữ ký mẫu hồ sơ gốc và ngân hàng chấp nhận, xem đó là mẫu đăng ký, dùng để đối chiếu các giao dịch về sau.
Vấn đề là, ngay từ đầu ngân hàng xác thực chữ ký mẫu đó như thế nào? Liệu khi doanh nghiệp mở tài khoản thì có đúng là chủ tài khoản là lãnh đạo doanh nghiệp đặt bút ký chữ ký đó không? Hay là có chủ ý lừa đảo từ trước của những người làm hồ sơ?
Phía VPBank cho rằng, thực tế trong hoạt động ngân hàng, rất hiếm khi lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp đến mở tài khoản, ngồi đặt bút ký trước sự chứng kiến của ngân hàng, cũng như mang theo cơ sở pháp lý để đối chứng cho chữ ký đó. Thay vào đó, hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp đều giao cho nhân viên kế toán, hoặc bộ phận chuyên trách đứng ra làm thủ tục, trình ký, thậm chí hồ sơ này có thể chuyển qua đường bưu điện đến ngân hàng…
Trường hợp ngân hàng cho nhân viên đến tận nơi phục vụ, chứng kiến và xin ký xác thực…, thì VPBank cho rằng rất khó để nhân viên ngân hàng tiếp cận được lãnh đạo các doanh nghiệp, “bắt” họ làm điều này, nhất là các doanh nhân “VIP”.
Từ trường hợp của công ty Quang Huân, tình huống đặt ra là trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp hiện nay có bao nhiêu trường hợp mà ngân hàng mở tài khoản khi không chứng kiến, không xác thực trực tiếp chữ ký mẫu của lãnh đạo doanh nghiệp - chủ tài khoản, thay vào đó họ mở tài khoản theo hồ sơ nhân viên mang đến và lấy đó làm mẫu, bản gốc để đối chiếu cho các giao dịch về sau.
Cũng tại sự việc trên, việc nhân viên VPBank là Đoàn Thị Thúy Hằng đứng ra làm hộ thủ tục, đứng tên mua séc “giúp”, dù sau đó VPBank khẳng định là có chứng từ ban giao lại cho ông Trinh…, là không đúng quy định.
Tuy nhiên, phía VPBank cho rằng, điểm không đúng quy định đó không làm mất tiền trong tài khoản công ty Quang Huân, vì sau đó nhân viên ngân hàng đã bàn giao lại cho ông Trinh, có xác nhận, ông Trinh cho biết là bàn giao lại cho bà Xuân. Như trên, đây cũng là điểm cần được cơ quan điều tra xác minh.
Một lãnh đạo của VPBank nêu thực tế rằng, trong hoạt động ngân hàng, có những trường hợp khách “VIP” bận rộn, họ yêu cầu nhân viên ngân hàng thực hiện thay các thủ tục, thậm chí rút tiền hộ và mang đến tận nhà…
Thực tế thì cũng không nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đến tận ngân hàng để làm thủ tục rút tiền hoặc chuyển tiền của doanh nghiệp mình, thậm chí là giao dịch cá nhân. Thay vào đó là ủy nhiệm cho cán bộ chuyên trách, thậm chí được phục vụ tận nơi như ngân hàng viên ngân làm thay như trên.
Và ở đây, một kênh giám sát hiện đại vẫn là dịch vụ tin nhắn báo cáo giao dịch. Trong sự việc này, vẫn phải dẫn lại băn khoăn là VPBank khẳng định có sao lưu dữ liệu tín nhắn báo cáo với đúng đầu số điện thoại bà Xuân dùng, còn bà Xuân lại cho biết là không nhận được.
Trước đó, chiều 24/8, ông Nguyễn Thành Long – Phó Tổng Giám đốc VPBank đã chính thức lên tiếng trước thông tin hơn 26 tỷ đồng khách hàng gửi trong tài khoản ngân hàng này bị biến mất.
“VPBank khẳng định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để làm sáng tỏ. VPBank bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, luôn tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn cho giao dịch, tài sản, tiền gửi của khách hàng. VPBank cam kết luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật”, ông Long khẳng định.
Về các ý kiến của bà Trần Thị Thanh Xuân được các báo phản ánh, VPBank nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và rất cần cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ.
“Khi đó sẽ sáng tỏ được các nghi vấn về chữ ký chủ tài khoản, con dấu Công ty Quang Huân sử dụng để đăng ký Mở tài khoản và thực hiện các giao dịch Mở tài khoản, trên SÉC, chứng từ giao dịch … cũng như việc nhận SMS liên quan đến giao dịch tài khoản … Hiện tại, theo VPBank được biết, PC46 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang trực tiếp điều tra, xác minh làm rõ vụ việc” - ông Nguyễn Thành Long – Phó Tổng Giám đốc VPBank cho hay./.
Theo Phạm Trần
Tạp chí Reatimes