Nhiều doanh nghiệp niêm yết chưa nhận thức được vai trò của minh bạch thông tin trách nhiệm xã hội
Chất lượng báo cáo phát triển bền vững ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu do các doanh nghiệp niêm yết chưa nhận thức được vai trò của việc minh bạch thông tin trách nhiệm xã hội.
Nghiên cứu về vấn đề minh bạch hóa thông tin trách nhiệm xã hội (CSR) và chi phí vốn sở hữu từ việc 6 năm quan sát liên tục 150 doanh nghiệp được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nhóm chuyên gia Đại học Ngoại Thương (TS Trần Thị Phương Thảo và TS Nguyễn Thúy Anh) cho rằng, mức độ công bố thông tin CSR ảnh hưởng ngược chiều lên chi phí vốn chủ sở hữu.
Điều này cho thấy việc minh bạch hóa thông tin CSR sẽ làm giảm chi phí vốn chủ sở hữu, qua đó tạo động lực để doanh nghiệp công bố thông tin tốt hơn.
Hiện nay trên thế giới, theo thông tin tổng hợp từ Hiệp hội Sáng kiến báo cáo toàn cầu (Global Reporting Initiative - GRI), đã có hơn 30 quốc gia đưa ra 142 quy định pháp lý liên quan đến minh bạch thông tin CSR, hay còn gọi là báo cáo phát triển bền vững, trong đó 65% các qui định đó mang tính chất bắt buộc.
Tại Việt Nam, hướng tới việc tuân thủ GRI, Thông tư 155/TT- BTC về hướng dẫn minh bạch thông tin trên TTCK, ban hành ngày 6/10/2015 đã bổ sung quy định về minh bạch báo cáo phát triển bền vững thì việc minh bạch thông tin CSR không còn xa lạ đối với các công ty niêm yết.
Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia Đại học Ngoại Thương, chất lượng báo cáo phát triển bền vững ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu do các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được vai trò của việc minh bạch thông tin CSR, không có động lực cao cho việc thực hiện minh bạch thông tin CSR.
Trong khi, quyết định đầu tư vào công ty cổ phần của nhà đầu tư sẽ dựa trên tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng được nhận (chi phí vốn cổ phần) và rủi ro tài sản đầu tư (bao gồm cả rủi ro bất cân xứng thông tin).
“Bất cân xứng thông tin CSR làm gia tăng rủi ro đầu tư, do vậy, doanh nghiệp càng minh bạch hóa thông tin sẽ làm giảm mức độ rủi ro của tài sản đầu tư và nhà đầu tư có thể xem xét lại lợi nhuận kỳ vọng (chi phí vốn cổ phần) của mình”, nhóm chuyên gia Đại học Ngoại Thương đặc biệt lưu ý.
Tình trạng bất cân xứng thông tin giảm và chênh lệch giá mua – bán cổ phiếu trên thị trường thấp sẽ làm cho rủi ro của cổ phiếu thấp hơn, qua đó làm giảm chi phí vốn chủ sở hữu và gia tăng giá trị doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có chất lượng minh bạch hóa thông tin CSR cao thường có xu hướng công bố nhiều thông tin nhằm xây dựng hình ảnh tích cực đến các nhà đầu tư và cổ đông công ty. Báo cáo CSR là một công cụ giúp giảm bất cân xứng thông tin giữa nhà quản lý và nhà đầu tư, qua đó góp phần làm nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Quá trình nghiên cứu của TS Trần Thị Phương Thảo và TS Nguyễn Thúy Anh cũng khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò của minh bạch thông tin trên TTCK, những lợi ích mang lại từ minh bạch thông tin CSR và khả năng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường.
Đối với các thông tin tự nguyện như thông tin CSR, hiện nay cũng chưa có các quy định, hướng dẫn đối với các công ty niêm yết về việc công bố thông tin. Việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện minh bạch thông tin theo chuẩn quốc tế cũng còn sơ khai dẫn đến kết quả về chỉ tiêu minh bạch thông tin CSR của các doanh nghiệp là khá khiêm tốn.
“Để minh bạch hóa thông tin CSR, doanh nghiệp trước hết cần phát triển các hoạt động CSR một cách bài bản, tích hợp hoạt động CSR vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng cường các hoạt động CSR không những giúp doanh nghiệp tránh vi phạm các quy định chuẩn mực về CSR như quy định về môi trường, tiêu chuẩn sản phẩm, quy định về bình đẳng giới... mà còn giúp tạo ra các báo cáo phát triển bền vững chuẩn theo các quy định pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế”, nhóm chuyên gia Đại học Ngoại Thương khuyến nghị.