Nhiều dự án dở dang sau cơn sốt đất

Sau cơn sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương, hàng loạt các dự án hạ tầng trở nên dở dang, trong đó, phải kể đến tỉnh Quảng Nam, kéo theo đó là cuộc sống của nhiều người đang bị ảnh hưởng nặng nề do vướng mắc giải tỏa dẫn đến “đi không được, ở không xong”.

Xây dựng dở dang, không thể đồng bộ hạ tầng

Khu đô thị mới ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được quy hoạch chưa đến 2,3 ngàn ha nhưng có tới gần 100 dự án lớn nhỏ. Những dọc đất ven biển, ven sông Cổ Cò thì chi chít “tiểu đô thị” khiến hạ tầng nham nhở, không đồng bộ.

Một cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chia sẻ, dải đất bên biển, bên sông nơi giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất đô thị mới từ năm 2003. Sau đó các dự án đô thị mọc lên rầm rộ, xé lẻ làm phá vỡ quy hoạch chung. Trong đó phải kể đến khu đô thị Đất Quảng Riverside, khu đô thị Ven sông Dương Hội, khu đô thị Bách Đạt 1… Mỗi dự án này chiếm từ 3 đến 8 ha đất quy hoạch, được làm theo kiểu xí phần để rồi chuyển giao hoặc triển khai dang dở. Trong khi đó, đường giao thông, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ và sau nhiều năm cũng không thể khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án đô thị.

Đất tại dự án thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn  
Đất tại dự án thường xuyên bị ngập khi có mưa lớn  

Teho nguồn tin từ Reatimes, Bà Hoa, 58 tuổi, sống gần dự án đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, tiếng là khu đô thị mới nhưng cỏ mọc um tùm, từng đàn bò, đàn dê nhởn nhơ gặm cỏ chứ chẳng thấy nhà cửa đâu. Từ khi có khu đô thị mới cuộc sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. “Đường sá bụi bặm do những đoàn xe quá tải chở đất san lấp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Người dân không còn ruộng vườn để sản xuất, tiền đền bù chẳng đáng bao nhiêu, tiêu rồi cũng hết. Giờ thì tương lai mù mịt lắm… ”, người phụ nữ than thở.

Ông Tám (62 tuổi, nhà cạnh dự án Khu đô thị Coco Riverside) cũng chia sẻ, đến nay dự án này vẫn chưa xong công tác giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Thế nên mọi người vẫn nói đùa với nhau là khu đô thị “ma” chưa đã xây dựng, thi công gì đâu.

Theo thống kê của UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, dự án đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và dự án Khu đô thị Coco Riverside là một trong những dự án chậm tiến độ giải toả. Đáng kể nhất là dự án khu đô thị Hưng Thịnh mới chỉ giải phóng mặt bằng được 21%. Nhiều chủ đầu tư còn huy động vốn trái phép, sau đó thi công dang dở, không bàn giao sổ đỏ cho khách hàng theo cam kết dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Điển hình như dự án của Bách Đạt An làm chủ đầu tư khiến hơn 900 người đã mua đất thường xuyên tụ tập kéo nhau đi đòi sổ đỏ gây mất an ninh trật tự.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, hệ luỵ lớn nhất, phức tạp hơn chính là việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật giữa các khu đô thị đang xây dựng dở dang. Thị xã đã xin ý kiến và tỉnh Quảng Nam đã cho phép rà soát quy hoạch nhưng vẫn chưa thể thực hiện ngay cho hạ tầng không đồng bộ.

Biến mặt tiền tự nhiên dòng sông thành “của riêng”

Theo nguồn tin từ Reatimes, các dự án bất động sản và nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò, đoạn qua tỉnh Quảng Nam với chiều dài 20km, có rất nhiều quảng cáo hấp dẫn như xây dựng các bến du thuyền, phát triển cảnh quan 2 bên bờ sông, khu đô thị mới, đáng sống nhất khu vực… Tại khu vực phường Điện Biên, rất nhiều nhà biệt thự đang được xây dựng hướng ra mặt sông, bên kia là cầu Nghĩa Tự. Chẳng biết từ lúc nào, mặt tiền tự nhiên của dòng sông bao đời qua trở thành sở hữu riêng của nhiều dự án từ đại đô thị đến tiểu đô thị.

Một người dân tại địa phương cho biết, Sông Cổ Cò gắn bó với đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân bao đời qua. Đây là dòng sông lịch sử, văn hoá của người dân bản địa nhưng bỗng phút chốc chở thành sở hữu của các đô thị. Nhiều dự án đang lấp ruộng, chẳng mấy chốc mà lấn sang bờ sông, rồi đến nơi thả bò cũng không có.

Một góc mắt tiền sông Cổ Cò thành đất của dự án  
Một góc mắt tiền sông Cổ Cò thành đất của dự án  

Ông Linh sống gần đó cho hay, “Tôi nghe bảo giá đất cứ tăng vù vù, mua đi bán lại liên tục. Năm ngoái giá mỗi m2 chỉ tầm 4-5 triệu nay đã tăng lên vài chục triệu đồng rồi. Chẳng hiểu ai được lợi chứ người dân sinh sống nơi đây chẳng được ích gì”.

Từng công tác tại lĩnh vực thuỷ lợi, ông Linh cho biết việc xây dựng tràn lan các dự án, khu đô thị, nhà thương mại, nghỉ dưỡng chi chít đôi bờ dòng sông sẽ khiến mục tiêu thoát lũ, lưu vực cả dòng sông bị ảnh hưởng. Chưa kể, dự án khơi thông sông Cổ Cò được sử dụng từ nguồn vốn chống đổi khí hậu nhưng đang bị doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ kém đi. Từ mục tiêu dự án phát triển, xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống người dân tốt hơn nay biến của chung thành của riêng. Lợi ích dự án, giá trị đất ra tăng thực chất chảy vào chủ đầu tư và nhóm lợi ích…

Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn đã kiến nghị tỉnh Quảng Nam nạo vét, khơi thông hành lang, cảnh quan hai bên sông Cổ Cò. Với các đoạn ranh giới xây dựng dự án bị chồng lấn, vướng mắc giải phóng mặt bằng sẽ được họp bàn, tìm cách giải quyết ngay trong tháng 7/2022. Quan điểm của thị xã Điện Bàn cũng như tỉnh Quảng Nam là giao đất cho nhà đâu tư xây dựng đô thị, khớp nối hạ tầng chứ không phải để làm ăn kiểu “hớt vàng”, kiếm lời. Về lâu dài, tất cả các dự án xây dựng dở dang, chậm tiến độ kéo dài sẽ bị thu hồi để tạo mặt bằng mở rộng hành lang giao thông, khu công cộng hoặc giao cho các doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm xây dựng dự án khu đô thị…

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống