Nhiều ông lớn lên kế hoạch tiến quân vào BĐS công nghiệp?
Thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo đánh giá từ FiinRatings, thời gian tới, bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ phát triển ổn định nhờ nhu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt, sự phát triển của ngành logistics sẽ kéo theo nhu cầu về kho bãi và trung tâm logistics gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt khi thương mại điện tử bùng nổ. Các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước cũng đã và đang tích cực mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động tại Việt Nam.
Theo đó, các "ông lớn" BĐS công nghiệp cũng đã nhanh chóng đón đầu cơ hội bằng cách nghiên cứu phát triển các KCN hiện đại, áp dụng công nghệ cao và tự động hóa vào sản xuất, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu chi phí và tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các khu công nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, cũng đang được khuyến khích.
Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô vừa đề xuất tỉnh Ninh Thuận về việc cho phép khảo sát, lập quy hoạch dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 với diện tích gần 100ha gần Khu công nghiệp Cà Ná.
Còn có Tập đoàn Hà Đô, doanh nghiệp đang là chủ đầu tư của nhiều dự án chung cư, khu đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM… tham gia phân khúc này. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này thể hiện tham vọng “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Theo thông tin công bố, trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp tại nhiều địa phương phía Bắc như Hưng Yên, Quảng Ninh… nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Taseco Land trong năm 2024 cũng chú ý đến mảng bất động sản khu công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến phát hành cổ phiếu để huy động gần 150 tỷ đồng nhằm phục vụ cho Dự án ở khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III tại Hà Nam.
Lý giải cho đà tiến quân mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp, ông Trương An Dương - Giám đốc khối bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho rằng việc các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó giúp thị trường bất động sản khu công nghiệp sôi động hơn.
Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ, đông đảo và chi phí cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Thực tế cho thấy, tất cả các nước công nghiệp mới NICs (con rồng châu Á) đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Tuy nhiên, dù có nhiều động lực rõ ràng để phát triển bất động sản, hiện nay, thủ tục pháp lý vẫn là rào cản đáng kể đối với việc thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản nói chung cũng như các dự án bất động sản công nghiệp nói riêng.
Hiện các khu vực kinh tế trọng điểm như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất công nghiệp do tình trạng đô thị hóa nhanh chóng và cạnh tranh cao về đất đai.
Chính sách và thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp, mất thời gian và chi phí. Các chính sách liên quan đến đầu tư và phát triển KCN đôi khi thiếu nhất quán và thay đổi đột ngột, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lập kế hoạch dài hạn.
Thách thức tiếp theo là thực trạng thiếu hụt lao động trình độ cao, việc quản lý môi trường còn nhiều hạn chế, nhất là tại các KCN cũ và các khu vực phát triển nhanh. Một số nước trong khu vực có chính sách ưu đãi và hạ tầng phát triển tốt như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tạo nên sức ép cạnh tranh.
Chưa kể còn có rủi ro đầu tư khi chi phí đất đai và xây dựng tăng cao, nhất là chi phi tạo lập quỹ đất khi Luật Đất đai mới chính thức có hiệu lực.