Nhóm ông lớn chia nhau 2/3 'miếng bánh' bảo hiểm 2,8 tỷ USD ở Việt Nam
Được cho là thị trường cho tính cô đặc và mức độ cạnh tranh gay gắt, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, các DNBH phi nhân thọ vẫn duy trì sự tăng trưởng vượt trội so với năm 2023, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế và niềm tin “yếu” từ người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhóm dẫn đầu
Top 5 “khó” thay đổi
Ân tượng nhất là PVI, với tổng doanh thu – bao gồm cả doanh thu bảo hiểm, phi bảo hiểm và doanh thu tài chính trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11.981 tỷ đồng, tăng 51% so với kết quả 7.954 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 13%, từ 693 tỷ lên 787 tỷ đồng.
Với kết quả này, PVI đã vượt 35 -3 8% so với kế hoạch của 6 tháng đầu năm. Hiện PVI là đơn vị dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam về vốn, thị phần và hiệu quả nghiệp vụ.
Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Công ty đạt doanh thu 3.666 tỷ đồng, tăng trưởng 16,08% so với cùng kỳ và đạt 53,92% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ đạt được 188,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, bằng 102% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 50% lợi nhuận kế hoạch 2024.
Tiếp đến, bảo hiểm PTI ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế tăng vọt đạt gần 207 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 140% so với cùng kỳ.
Ngày 25/07/2024, Bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, tổng doanh thu phí đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lọt Top 4 đơn vị có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất. Đồng thời duy trì thứ hạng Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có lợi nhuận trước thuế cao nhất.
Bảo hiểm MIC ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 885 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.272 tỷ đồng, tương đương mức doanh thu của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý II/2024 đạt 80,2 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, các doanh nghiệp phi nhân thọ nhóm tiếp theo cũng đạt được những kết quả khá ấn tượng.
PJICO có lẽ là một trong các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với tổng doanh thu ước đạt 2.546 tỷ đồng, hoàn thành 53,4% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt 190 tỷ đồng, hoàn thành 65,8% kế hoạch cả năm.
Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 370 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) mới đây đã vươn lên vị trí Top 1 bảo hiểm xe cơ giới. Theo VNI, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bảo hiểm gốc VNI đạt gần 1.385 tỷ đồng, tăng trưởng 24,3% và gấp 2 lần tăng trưởng chung toàn thị trường.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 06 năm 2024, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 39.056 tỷ đồng, tăng 11,9%, bồi thường bảo hiểm gốc ước đạt 11.002 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm sức khỏe (bao gồm bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) và bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng khoảng 57% toàn thị trường.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy Top 5 ông lớn của thị trường khó có sự thay đổi trong vài năm tới với những tên tuổi như PVI, PTI, Bảo Minh, Bảo Việt, MIC. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng đã chứng kiến sự vươn lên của nhóm phía sau như: BIC, PJICO, VNI…
Quy mô thị trường lên tới 28 tỷ USD
Theo các chuyên gia tài chính, tại Việt Nam thị trường bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng đang gặp khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng có triển vọng tốt và còn nhiều dư địa để phát triển. Quy mô hiện nay là khoảng 2,8 tỷ USD, dự báo có thể đạt 28 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, dù hiện nay niềm tin của người dân đối với bảo hiểm giảm sút, nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến mảng bảo hiểm nhân thọ. Còn riêng với phi nhân thọ, do đặc thù có những phân khúc khách hàng buộc “phải mua” như bảo hiểm hàng hoá, bảo hiểm tài sản…nên thị trường được dự báo sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng trong nhiều năm tới.
Đầu tiên, sự tăng trưởng của kinh tế, GDP tăng lên, lượng tài sản trong nền kinh tế gia tăng thì bảo hiểm sẽ tăng theo. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế dự báo luôn ở mức trên 6%/năm, dẫn đến những tài sản nền của bảo hiểm phi nhân thọ tăng theo.
Kế đến, sự phát triển của Insurtech giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận đến các loại hình bảo hiểm vi mô, thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống đổi mới hoạt động kinh doanh và đầu tư cho chiến lược số hoá. Việc này sẽ giúp tăng hiệu quả của các kênh phân phối, nâng cao trải nghiệm khách hàng, giải quyết nhanh chóng bồi thường bảo hiểm, tạo thêm các sản phẩm mới, phù hợp với đúng nhu cầu của người dân.
“Ở Việt Nam, Insurtech chỉ chiếm 2-3% doanh thu nhưng bắt đầu có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là sự phát triển của bảo hiểm nhúng”, ông Đán khẳng định.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, tại Việt Nam đã có nhiều DN Phi nhân thọ đi đầu trong xu thế bảo hiểm nhúng như PTI, VBI, Bảo Việt, PVI… Phổ biến hiện nay trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đón nhận nhiều sản phẩm bảo hiểm vi mô, dễ bắt gặp hiện nay là bảo hiểm cá nhân theo chuyến xe (Trip Insurance).
Hiện Trip Insurance đang được các hãng taxi công nghệ như Be, Grab… “bán kèm” trong cách tính cước phí của chuyến đi. Khách hàng có thể lựa chọn không mua bảo hiểm khi đặt xe, nhưng thực tế cho thấy, rất ít người thực hiện thao tác hủy gói bảo hiểm
Hoặc như bảo hiểm rơi vỡ điện thoại (Thế giới di động); bảo hiểm tai nạn cho người lao động tự do Jupviec Care (Jupviec), bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trễ/hủy chuyến đi, bảo hiểm vận chuyển hàng hoá…
Các chuyên gia trong ngành đều nhận định rằng, với đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, xu hướng Insurtech ngành bảo hiểm, các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mới và sự tham gia thị trường của nhóm khách hàng trẻ vốn ưa chuộng những sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ thông tin...sẽ giúp cho bức tranh tăng trưởng của mảng bảo hiểm phi nhân thọ khá lạc quan trong vài năm tới.
Đồng thời, dòng vốn FDI tiếp tục tăng lên, cộng với việc sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư ngoại hoặc các nhà đầu tư trong nước, các tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính mạnh mẽ quan tâm đến miếng bánh BH Phi nhân thọ được dự báo đạt 28 tỷ USD vào năm 2030.
“Điều này sẽ giúp cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong 6 tháng cuối năm 2024 và nhiều năm tiếp theo, có thể đạt mức 10-12%/năm”, một vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.