Nhựa Bình Minh: Lãi cao nhất 4 quý, nắm giữ 1.700 tỷ tiền mặt
Kết thúc quý II/2024, Nhựa Bình Minh nắm tới hơn 1.700 tỷ đồng tiền mặt. Doanh nghiệp báo lãi ròng cao nhất trong 4 kỳ kinh doanh.
Công ty CP Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) công bố tình hình tài chính quý II/2024 cho biết, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.153 tỷ đồng, giảm nhẹ 14% so với năm kinh doanh 2023.
Nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh 116 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh thu về 506 tỷ đồng lợi nhuận gộp, qua đó cải thiện biên lãi gộp từ 42,8% lên 43,8% trong quý này.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính Nhựa Bình Minh “bốc hơi” gần một nửa so với năm 2023, còn 17 tỷ đồng. Nhờ việc tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động, chi phí tài chính và chi phí quản lý, Nhựa Bình Minh ghi nhận lãi ròng với 280,3 tỷ đồng. Đáng nói, mức lợi nhuận đang cao nhất trong 4 kỳ kinh doanh vừa qua của Nhựa Bình Minh, chỉ kém 5% so với thời điểm lập đỉnh (quý II/2023).
Theo Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh đã qua vùng đỉnh nhưng lợi suất cổ tức vẫn hấp dẫn. Giai đoạn từ cuối 2022 đến nay, Nhựa Bình Minh được hưởng lợi lớn từ việc giá nguyên liệu đầu vào nhựa PVC giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc suy giảm. Sự kiện này đã giúp lãi ròng tăng tốc trong quý IV/2022 và đã tạo đỉnh trong quý II/2023 khi diễn biến chậm lại của nền kinh tế đã tác động làm giảm đáng kể sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp.
Sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp nhựa ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.156 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 18% xuống còn 470 tỷ đồng.Với mục tiêu doanh thu 5.500 tỷ đồng, lãi ròng ở mức 1.000 tỷ đồng trong năm 2024, Nhựa Bình Minh đã thực hiện được 39% kế hoạch doanh thu và 47% về lợi nhuận sau nửa năm.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh co hẹp 170 tỷ so với đầu năm xuống 3.085 tỷ đồng. Về cơ cấu, tồn kho cuối kỳ đạt 441 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 57% tài sản, tương đương 1.752 tỷ đồng, giảm 259 tỷ đồng so với đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả ở mức 434 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 416,1 tỷ đồng, nợ dài hạn vỏn vẹn hơn 18 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 2.651 tỷ đồng với lợi nhuận chưa phân phối gần 629 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu Nhựa Bình Minh đang gấp 6,1 lần tổng nợ vay.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2024, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch trích tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế năm 2024 để chia cổ tức. Đáng nói, trong nhiều năm trở lại đây, Nhựa Bình Minh luôn “dốc” hầu bao toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm để chi trả cổ tức bằng tiền.
Gần đây nhất, Nhựa Bình Minh thực hiện trả cổ tức tiền mặt năm 2023 tỷ lệ 61%, tức 1 cổ phiếu nhận 6.100 đồng trong tháng 6. Trước đó, công ty tạm ứng cổ tức năm 2023 đợt 1 tỷ lệ 65% (6.500 đồng/cp) vào cuối năm ngoái. Tổng tỷ lệ chi trả lên tới 126% (1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng). Năm 2022, doanh nghiệp này cũng dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84%.