Những “góc khuất” tại Tập đoàn TH và BacABank: Sức ép từ khoản nợ khổng lồ
Tập đoàn TH do bà Thái Hương làm Chủ tịch, hoạt động chính trong lĩnh vực sữa, ngân hàng. Mới đây, TH True Milk được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Quốc gia”. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Tập đoàn này đang khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại.
BacA Bank đã tư vấn tài chính cho TH True Milk như thế nào?
Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tập trung, quy mô công nghiệp” của Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH (TH TrueMilk) triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. TH True Milk và Ngân hàng TMCP Bắc Á cùng chung Tập đoàn TH, do bà Thái Hương làm Chủ tịch. Do đó, trong các quảng bá, BacA Bank được xác định là đơn vị “tư vấn tài chính” cho “siêu dự án” này.
Mục tiêu của dự án là đến năm 2020, đàn bò sữa của TH True Milk là 137.000 con; năm 2020 đạt 200.000 con, doanh thu đạt trên 23.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), chiếm 50% thị phần sữa tươi ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đến năm 2016, doanh thu của TH True Milk chỉ đạt 2.804 tỷ đồng, số lượng bò sữa theo báo cáo là 45.000 con.
Với sự tư vấn tài chính của BacA Bank, TH True Milk đang đối mặt với khoản nợ lên tới gần 10.000 tỷ đồng. TH True Milk có lỗ lũy kế khá khá lớn, từ năm 2014 là 1.600 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 3.800 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế là 1.095 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 của TH, tại thời điểm cuối năm, vốn chủ sở hữu của TH là 2.385 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn cổ phần của công ty này lên tới 3.800 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, vốn sở hữu của TH đã “âm” tới 1.415 tỷ đồng, tương ứng 37% vốn góp của cổ đông.
Thời điểm cuối năm cuối năm 2015, nợ phải trả tại TH True Milk lên tới 8.152 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu, đến năm 2016, nợ phải trả cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu. Đến 31/12/2016, tổng nợ phải trả của TH True Milk dù giảm nhưng vẫn lên tới 7.621 tỷ đồng.
Trong các năm 2014, 2015 và 2016, TH True Milk lần lượt phải trả nợ là 590 tỷ đồng, 515 tỷ đồng và 564 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận của các năm này chỉ là 27 tỷ đồng, 58 tỷ đồng và 130 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, TH True Milk vay các ngân hàng, tổ chức, cá nhân gần 5.000 tỷ đồng. Nợ dài hạn đáo hạn vào các năm 2018, 2019, 2021 lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 600 tỷ đồng, hơn 1.700 tỷ đồng và có xu hướng ngày càng tăng. Lãi suất các khoản vay này cũng cao hơn mặt bằng chung khá nhiều do đó khả năng TH True Milk sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Về cơ cấu nợ, TH True Milk vay xấp xỉ 20% nợ ngắn hạn nên áp lực lên dòng tiền là tương đối lớn. Việc sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn cho các tài sản dài hạn nên khả năng thanh khoản của TH True Milk là khá thấp.
Báo cáo tài chính năm 2016 của TH nhấn mạnh: “Khả năng trả nợ của Công ty phụ thuộc vào khả năng Công ty có thể huy động thêm các khoản vay để tài trợ cho hoạt động của Công ty nhằm giúp Công ty có thể thanh toán các khoản phải trả khi đến hạn”.
Như vậy, TH True Milk đang tiếp tục vay để trả nợ. Điều này dễ dẫn đến liên tưởng “giật gấu vá vai” bù đắp các khoản tài chính tức thời...
TH True Milk đang vay của các tổ chức nào?
Trước tiên, phải nhắc đến khoản vay 2.000 tỷ đồng của VDB và hơn 700 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank).
Theo báo cáo tài chính năm 2016, TH True Mik nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam 2.000 tỷ đồng. Được biết, đây là khoản vay phục vụ Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tập trung, quy mô công nghiệp”, được giải ngân trong các năm 2011, 2013. Khoản vay này được đảm bảo bằng tài sản hình thành trong tương lai của dự án. Để hình thành dự án này, TH True Milk được UBND tỉnh Nghệ An cho thuê 2.354ha đất với thời hạn lên tới 70 năm (ngày đáo hạn là ngày 15/7/2079, được miễn tiền thuê đất trong vòng 15 năm đầu tiên).
Điều này đồng nghĩa, suốt thời gian qua, TH True Milk chưa phải nộp tiền thuê đất và trên danh nghĩa thực tế, UBND tỉnh Nghệ An vẫn chính là chủ sở hữu thực sự của diện tích đất trên.
Được biết, thời điểm đáo hạn của khoản vay 2.000 tỷ này là năm 2021 (hơn 1.400 tỷ đồng) và năm 2024 (hơn 3.605 tỷ đồng). Đến thời điểm này, nhiều chuyên gia đặt vấn đề cần xem xét lại tính pháp lý xem việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An cho TH True Milk vay 2.000 tỷ đồng? Bởi, trong trường hợp công ty này thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ thu hồi tài sản như thế nào trong khi không trích lập dự phòng cho khoản vay này?
Theo báo cáo tài chính năm 2016, TH True Milk còn nợ Maritime Bank hơn 600 tỷ đồng, thời gian đáo hạn là năm 2019 (số liệu ngày 01/01/2016, đến 31/12/2016 còn hơn 462 tỷ đồng). Được biết, khoản tín dụng giữa TH True Milk và Maritime Bank liên quan đến các hoạt động đầu tư dài hạn của TH True Milk. Khoản vay này được thế chấp bằng số cổ phiếu Công ty Anglo Vietnam Sugar Investments Limited (AVSI) - một công ty tại “thiên đường thuế” đảo quốc Virgin (thuộc Vương quốc Anh). AVIS thuộc sở hữu của TH True Milk. Công ty này có hoạt động chuyên về đầu tư tài chính.
AVSI từng đầu tư tại Nghệ An, sau đó được TH True Milk mua lại. Mặc dù đang phải vay nợ rất nhiều để đầu tư sản xuất nhưng TH True Milk vẫn “bơm” tiền vào AVSI. Đến nay, với giới đầu tư ở Việt Nam, hoạt động đầu tư tài chính của AVSI vẫn khá bí ẩn. Theo báo cáo tài chính năm 2016 (đến ngày 31/12/2016), TH True Milk đầu tư góp vốn vào công ty này hơn 646 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư vào 37.500 cổ phiếu ưu đãi của AVSI.
Tuy nhiên, số cổ phiếu ưu đãi hạng nhất này được mua bằng nguồn tiền vay ngân hàng và được thế chấp với ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay dài hạn của TH True Milk. Đây chính là tài sản để TH True Milk thế chấp cho Maritime Bank để vay hơn nhiều trăm tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia tài chính, điều này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro với Maritime Bank.
Cũng theo báo cáo tài chính năm 2015, TH True Milk còn vay của một cá nhân 2.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một cuộc vay mượn đầy “bí ẩn” trong bức tranh tài chính của TH True Milk.
Sở hữu chéo, lách luật tín dụng để rút tiền từ Baca Bank?
Những năm qua, đã có không ít “bi kịch” xảy ra trong hoạt động ngân hàng xuất phát từ tình trạng sở hữu chéo giữa Ngân hàng TMCP với các doanh nghiệp vốn cùng một ông chủ với ngân hàng đó. Vì lẽ đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra quy định bắt buộc chủ doanh nghiệp không được giữ chức vụ Chủ tịch ngân hàng. Theo Luật Tổ chức tín dụng 2010, các ngân hàng cũng không được cho doanh nghiệp trong cùng hệ thống sỡ hữu vay quá 5% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, tại BacA Bank và TH True Milk lại có những dấu hiệu vi phạm quy định này. Theo báo cáo tài chính năm 2016, Baca Bank đã cho TH True Milk - công ty chung Tập đoàn TH vay gần 800 tỷ đồng mà không cần tài sản đảm bảo. Số tiền này chiếm tới 16% vốn điều lệ của BacA Bank. Như vậy, Ngân hàng TMCP Bắc Á liệu có đang sai phạm?
Như đã phân tích ở trên, với khoản nợ lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, rất khó để BacA Bank tiếp tục giải ngân “đúng luật” cho TH True Milk nói riêng và Tập đoàn TH nói chung.
Tuy nhiên, BacA Bank đã “bơm vốn” cho TH True Milk bằng cách thông qua việc vay mượn giữa các công ty con, công ty trực thuộc, công ty liên quan.
Khá bất thường ở chỗ BacA Bank nhận thế chấp tài sản phương thức hình thành trong tương lai (không cần tài sản cố định thế chấp) từ những hợp đồng “quay vòng” của các pháp nhân trong cùng Tập đoàn là một dấu hỏi lớn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với các cổ đông của BacA Bank?
Đơn cử, Công ty CP Logistic SC (địa chỉ số 166 Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An). Hiện nay, Công ty Logistic SC đang nợ Ngân hàng Bắc Á số tiền tương đối lớn 914.967 triệu đồng, phần lớn thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn: 873.076 triệu đồng; dư nợ cho vay dài hạn: 41.891 triệu đồng. Đáng chú ý, địa chỉ này cũng là Trụ sở của Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH?
Cụ thể, ngày 29/09/2017, BacA Bank ký hợp đồng tín dụng với Công ty CP Logistic SC khoản vay có giá trị hợp đồng 8.620.400.000 VND, số hợp đồng tín dụng là: 6660000124693. Với tài sản đảm bảo là: Toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng THM-DN2017/0025, tháng 01/2017 và Hợp đồng 001/2015/LSC-HĐDV, ngày 01/09/2015.
Cũng ngay trong ngày 29/09/2017, BacA Bank tiếp tục ký Hợp đồng tín dụng số 6660000124691 với Công ty CP Logistic SC khoản vay có giá trị hợp đồng 690.871.000.000 VND, với tài sản đảm bảo là: Thế chấp bằng toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng 001_2015/THM-LSC, ngày 27/03/2015 và Hợp đồng 003_2016/THM-LSC, ngày 15/12/2016.
Không dừng lại tại đó, vẫn trong ngày 29/09/2017, hợp đồng thứ 3 được BacA Bank tiếp tục ký với Công ty CP Logistic SC khoản vay có giá trị hợp đồng là 200.259.000.000 VND, số hợp đồng là: 6660000124692. Với tài sản đảm bảo là: Thế chấp bằng toàn bộ quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng số 001_2015/THFC-LSC, ngày 27/03/2015 và Hợp đồng số 005_2016/THFC-LSC, ngày 15/12/2016.
Ngày 17/12/2018, BacA Bank ký Hợp đồng tín dụng số 6660000179628, với tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ phát sinh từ các hợp đồng giữa Công ty CP Logistic SC với ba công ty là Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty CP sữa TH và Công ty CP Chuỗi thực phẩm TH.
Như vậy, hầu hết các công ty con, công ty liên quan trong Tập đoàn TH đã được ký kết hợp đồng với Công ty CP Logistic SC và các hợp đồng này được mang đi thế chấp tại BacA Bank?
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của TH TrueMilk, Logistic SC cho đơn vị này vay 53 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm kéo dài đến năm 2018. Đây là một mức lãi “không tưởng” khi Công ty CP Logistic SC đang nợ hơn 900 tỷ đồng tại BacA Bank!
Liệu có xảy ra kịch bản: BacA Bank đã rất vô tư "bơm vốn" cho Công ty Logistic SC hơn 900 tỷ đồng dù cho tài sản của công ty này được đánh giá chỉ khoảng 100 tỷ đồng? Có được tiền từ BacABank, công ty này lại "bơm" cho các công ty thuộc Tập đoàn TH vay với lãi suất hết sức "ưu đãi"? Đồng vốn "khủng" trên được hạch toán vào sự tăng trưởng của TH được cho là không làm tăng giá trị của Tập đoàn này cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro?
Theo Doanh Nhân & Pháp Luật