Những nhóm ngành cổ phiếu nào chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine?
Theo giới phân tích chứng khoán, căng thẳng Nga-Ukraine tuy không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến một số nhóm ngành.
Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, căng thẳng Nga-Ucraine không thực sự ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi tính liên thông, giao thương của kinh tế Việt Nam với các quốc gia trên là không lớn, do đó các tác động tiêu cực về cơ bản chỉ là về mặt tâm lý chung của nhà đầu tư, chứ không ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành nghề cụ thể.
Ngoài ra, giá xăng, dầu nhập khẩu quá cao cũng phần nào ảnh hưởng tới lạm phát trong nước.
Theo ông Ngọc, nhìn ở mặt tích cực tới nhóm ngành thì sự kiện này đã tác động trực tiếp tới giá dầu, khiến mặt hàng này tăng giá mạnh thời gian qua và gián tiếp tác động tích cực tới các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, đó là nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, phân bón, hóa chất.
Thực tế, cổ phiếu nhóm dầu khí có thể hiện tích cực nhất trong tuần qua (từ 21- 25/2) với mức tăng 7,1% giá trị vốn hóa. Có thể kể đến BSR tăng 4,2%, PLX tăng 4,3%, PVT tăng 6,1%, OIL tăng 10,6%, PVD tăng 10,9%, PVS tăng 16,6%, PVC tăng tới 31,6%, PVB tăng 24,3%...
Theo số liệu của Dow Jones Market Data, giá dầu Brent tăng gần 5% trong tuần qua do căng thẳng Nga-Ukraine. Cụ thể, Khép lại cuối tuần 25/2, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư ở mức 91,59 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc giao là 97,93 USD/thùng; lần lượt tăng 1,5% và 4,7% trong tuần qua.
Tuy nhiên ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, nền tảng giá dầu cao ổn định từ nhu cầu tăng khi kinh tế thế giới hồi phục mới thực sự đem lại lợi ích lớn đối với các nhóm ngành này, còn những xung đột chính trị chỉ là nhất thời và có thể sớm qua đi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp Công ty Chứng khoán MB - MBS nêu quan điểm, xung đột xảy ra ở khu vực nhỏ nên chỉ có ảnh hưởng lên giá dầu trong ngắn hạn, sau đó sẽ điều chỉnh giảm về mức hợp lý hơn. Vì vậy, nhà đầu tư mua sớm được cổ phiếu dầu khí là lợi thế. Những nhà đầu tư chưa mua cổ phiếu dầu khí nên chờ những phiên điều chỉnh để mua vào.
Ông Định cũng cho rằng, những thông tin xung quanh diễn biến căng thẳng Nga và Ukraine khiến thị trường giảm cũng là cơ hội để nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu dòng thép, ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam, nhóm ngành dầu khí sẽ hưởng lợi trực tiếp từ căng thẳng Nga - Ukraine. Giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động khôi phục sản xuất dầu, như vậy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất dầu khí sẽ được hưởng lợi.
Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu tăng, chi phí logistics cũng sẽ tăng cao, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, “bào mòn” lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá nguyên vật liệu và giá năng lượng tăng lên, qua đó tác động tới lạm phát và đi kèm với lãi suất cùng chính sách thắt chặt tiền tệ.
Theo đó, những doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong cơ cấu, chi phí giá thành sản phẩm sẽ khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp, có thể kể đến nhóm vận tải trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, việc lãi suất và chi phí vốn tăng lên thì những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao cũng sẽ bị giảm lợi nhuận. Có thể kể đến những doanh nghiệp thuộc ngành BĐS thường sử dụng đòn bẩy rất cao. Bên cạnh đó, còn có có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau trên thị trường chứng khoán sử dụng đòn bảy tài chính cao có thể bị giảm lãi.