Những "trùm" bất động sản kín tiếng nhất tại Việt Nam

Trong giới bất động sản có nhiều đại gia kín tiếng mà khi nghe nói đến số tài sản khổng lồ của họ thì không ít người phải giật mình kính nể.

>>> Những cặp vợ chồng đại gia Việt "tát Biển Đông cũng cạn"

>>> Chân dung ái nữ kín tiếng của "đại gia điếu cày" Thản Mường Thanh

>>> Đại gia bất động sản Vũ Văn Tiền và “ván bài” HANIC

>>> Vì sao Chủ tịch Hòa Phát chi 270 tỷ đồng mua 10 triệu cổ phiếu?

Trần Đăng Khoa - Đại gia bất động sản mới nổi?

Nếu cộng lại những con số trong nhiều dự án bất động sản thuộc các công ty liên quan đến cặp vợ chồng ông Trần Đăng Khoa đã và đang lên kế hoạch phát triển thì con số này lên tới trên 27.000 tỷ đồng.

Năm 2006, một số người Việt từ châu Âu trở về với những hoạt động tìm kiếm cơ hội để thực hiện đầu tư tại Việt Nam đã lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh (Đầu tư Mai Linh). Ông chủ của công ty này là ông Trần Đăng Khoa, và 2 cổ đông cá nhân khác trở về từ Cộng hòa Séc.

Thời điểm đó, Đầu tư Mai Linh theo đuổi dự án khu căn hộ cao cấp Golden Palace tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội với 3 tòa tháp cao 30 tầng. Tuy nhiên, lúc đó tiếng tăm của Đầu tư Mai Linh còn khá mờ nhạt, mà giới đầu tư bất động sản khi đó thường gọi ông Khoa là “Khoa Keangnam”, bởi ông được biết đến với vai trò trợ lý chủ tịch Công ty Keangnam Vina - chủ đầu tư khu Tổ hợp Keangnam Landmark Tower.

Tran_dang_khoa

Ông Trần Đăng Khoa đang là chủ tịch HĐQT Công ty Đại Quang Minh

Hiện tại ông Trần Đăng Khoa đang là chủ tịch HĐQT Công ty Đại Quang Minh. Được biết Công ty Đại Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, trong đó, cá nhân ông Khoa nắm 17,5% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư Mai Linh nắm 37,5% và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) nắm 45%.

Nếu cộng lại những con số trong nhiều dự án thuộc các công ty liên quan đến vợ chồng ông Khoa đã và đang lên kế hoạch phát triển thì con số này lên tới trên 27.000 tỷ đồng.

Tiêu biểu như vào tháng 6/2013 Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã thay thế Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đầu tư vào dự án 4 tuyến đường vào trung tâm Thủ Thiêm với dự kiến khoản kinh phí đầu tư lên đến khoảng 12.000 tỷ đồng.

Ngoài ra Đại Quang Minh còn đang triển khai dự án khu dân cư thấp tầng hơn 37ha thuộc Khu số II. Cũng vào đầu tháng 6, Đại Quang Minh lại vừa được Tp.HCM giao thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT thay cho Vinaconex. Được biết, tổng mức đầu tư cây cầu này là 2.300 tỷ đồng.

Tô Dũng: Đại gia kín tiếng Hà thành phải kiềng nể

Việc Công ty TNHH Xuân Cầu kiện Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua.

Được biết, Công ty TNHH Xuân Cầu đang sở hữu khối bất động sản khổng lồ có giá trị hàng tỷ USD. Ông Tô Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Cầu, là một đại gia kín tiếng mà giới bất động sản Hà thành phải kiềng nể.

To_Dung

Ông Tô Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Cầu

Khối bất động sản kếch xù của ông chủ Công ty Xuân Cầu bao gồm:

Khu biệt thự nghỉ dưỡng Xanh Villas, Khu biệt thự Sinh thái Yên Bình (Xanh Villas II), Khu Du lịch Kim Bôi, Tổ hợp khách sạn - Trung tâm thương mại Xuân Phú Hưng, Khu biệt thự và du lịch sinh thái Hòa Sơn (Green Vesion), Khu đô thị sinh thái Văn Giang, Trung tâm Thương mại Chợ Trương Định.

Đại gia kín tiếng bỏ 1.000 tỉ xây sân bay Phan Thiết

Là ông chủ Tập đoàn Rạng Đông tại Bình Thuận nhưng ông Nguyễn Văn Đông ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nổi danh khi quyết định bỏ ra 1.000 tỉ đồng xây sân bay Phan Thiết nhưng ông vẫn khá kín tiếng.

>>> Những cặp vợ chồng đại gia Việt "tát Biển Đông cũng cạn"

>>> Chân dung ái nữ kín tiếng của "đại gia điếu cày" Thản Mường Thanh

>>> Đại gia bất động sản Vũ Văn Tiền và “ván bài” HANIC

>>> Vì sao Chủ tịch Hòa Phát chi 270 tỷ đồng mua 10 triệu cổ phiếu?


Rang_dong

Ông Nguyễn Văn Đông, ông chủ Tập đoàn Rạng Đông

Mọi người bắt đầu tò mò về ông chủ của Tập đoàn Rạng Đông (chuyên xây lắp hạ tầng) khi hay tin họ có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin được đầu tư hạng mục hàng không dân dụng tại dự án Sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng theo hình thức BOT, vào giữa năm 2013.

Mặc cho dư luận đồn đoán và nghi ngại, lễ khởi công xây dựng Sân bay Phan Thiết đã diễn ra trong hy vọng của người dân Bình Thuận về một chặng đường mới.

Với suất đầu tư lớn của dự án, ông Đông phân tích, doanh nghiệp sẽ dùng một phần vốn vay, nhưng với nguyên tắc là tỉ lệ vốn vay thấp nhất. Rạng Đông sẽ huy động tổng nguồn lực để đạt tỉ lệ trên 50% là vốn tự có.

Đến nay riêng Rạng Đông đã thực hiện 75-80% công trình trên địa bàn toàn tỉnh Bình Thuận.

Nữ đại gia kín tiếng có tài sản "vượt mặt" bầu Đức

Nữ đại gia sở hữu tài sản khổng lồ "vượt mặt" bầu Đức là bà Lê Thị Thúy Ngà – Chủ tịch tập đoàn Nam Cường, một doanh nhân kín tiếng nhưng lại là "người đàn bà thép" trong giới kinh doanh.

Nam_Cuong

Bà Lê Thị Thúy Ngà – Chủ tịch tập đoàn Nam Cường

Nữ đại gia Lê Thị Thúy Ngà tiếp quản vai trò Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường sau khi chồng bà là doanh nhân Trần Văn Cường qua đời đầu năm 2010. Bà Ngà tiếp quản vai trò Chủ tịch Nam Cường với tất cả tài sản, quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch cũ và cùng các con tiếp tục đưa Nam Cường phát triển đến ngày nay.

Bà Lê Thị Thúy Ngà ít xuất hiện trước báo giới vì vậy tên của bà cũng khá xa lạ với công chúng. Tuy nhiên, những thông tin ít ỏi về vị nữ tướng trong ngành bất động sản này cũng cho thấy bà là một minh chứng điển hình cho người phụ nữ hiện đại vừa giỏi việc kinh doanh lại quán xuyến mạnh mẽ trong gia đình.

Cho tới thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của tập đoàn Nam Cường đạt 4.500 tỷ đồng. Riêng cá nhân bà Lê Thị Thúy Ngà sở hữu cổ phần xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm 88,86% cổ phần. Giả sử như cổ phiếu của Tập đoàn Nam Cường được niêm yết trên sàn chứng khoán và giao dịch tại mức giá bằng với giá trị sổ sách thì với 8.700 tỷ đồng, bà Ngà sẽ vượt qua bầu Đức ( "túi tiền" của bầu Đức tính đến ngày 4/5/2015 là 6.546 tỷ đồng) và trở thành người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán, sau chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Ở Miền Bắc cũng như ở Hà Nội, Nam Cường là một cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản. Tập đoàn này là chủ đầu tư của các khu đô thị như Cổ Nhuế, Phùng Khoang, Dương Nội (Hà Nội) cùng nhiều dự án khu đô thị ở Nam Định, Hải Dương.

Các dự án giao thông do Nam Cường triển khai đều có tổng mức đầu tư lớn như: đường trục phía Bắc Hà Đông hơn 3.000 tỷ đồng; đường trục kinh tế Bắc - Nam gần 7.700 tỷ đồng... Các dự án khu đô thị, nhà ở đều chiếm quỹ đất đáng kể như: Phúc Thọ 156,5 ha; Thạch Thất 2.448,5 ha; Quốc Oai 2.841 ha; Chương Mỹ 1.000 ha; Ứng Hòa 849 ha; Thanh Oai 7 ha; Mỹ Đức 953 ha và Phú Xuyên 681 ha...

Tập đoàn Nam Cường hiện đang sở hữu Khách sạn Nam Cường Hải Phòng (4 sao); Khách sạn Nam Cường Hải Dương (4 sao). Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang triển khai hàng loạt các dự án khách sạn quốc tế tầm cỡ từ 4 - 5 sao tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Hòa Vượng (Nam Định), Dương Nội (Hà Đông), Phùng Khoang (Hà Nội)...

Hôn phu hoa hậu Hà Kiều Anh: Đại gia bất động sản kín tiếng

Trước khi được phân công tạm thời đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT Công ty cổ pần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (Ocean Hospitality, OCH), Huỳnh Trung Nam là đại gia khá kín tiếng trên thương trường. Trước đó, ông giữ vai trò chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Lạc Việt được biết đến là một công ty đầu tư phát triển bất động sản có thương hiệu quốc tế là Imperial Group.

Theo website của Imperial, tính đến năm năm 2014, cả tập đoàn có 2.800 nhân viên, hoạt động trên nhiều lĩnh vực ở nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước, chủ yếu khu vực Đông Nam Bộ.

The Imperial Plaza là một phần hạng mục nằm trong tổng thể dự án tổ hợp du lịch cao cấp The Imperial Complex bao gồm khu mua sắm, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và cao ốc căn hộ du lịch cao cấp do Công ty cổ phần Lạc Việt làm chủ đầu tư.

Kieu_Anh
Ông Huỳnh Trung Nam và hoa hậu Hà Kiều Anh

Lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư mạnh tay. Dự án The Imperial Hotel ra mắt năm 2007 tại Vũng Tàu, gồm 140 phòng khách sạn với tổng vốn đầu tư 11,5 triệu USD, đồng thời xây dựng dự án Novotel Imperial Resort Hoi An với công suất 200 phòng được giao cho Tập đoàn ACCOR là nhà quản lý thương hiệu nổi tiếng thế giới Sofitel quản lý và điều hành.

Đón bắt tốc độ phát triển vượt bậc của đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2010 bắt tay vào khởi công xây dựng The Imperial Residences Vũng Tàu với 100 căn hộ cho thuê. The Imperial Residences đầu tư 6 triệu USD xây dựng các căn hộ cao cấp. Những dự án trên đều thuộc tổ hợp The Imperial Complex.

Công ty cổ phần Shifu được thành lập vào cuối năm 2011 để phát triển thương hiệu Shifu bao gồm: Shifu Fine Dining (Nhà hàng đầu tiên đã có mặt tại khách sạn The Imperial Hotel Vũng Tàu) và chuỗi nhà hàng Shifu Dimsum House. Với kinh nghiệm của các cổ đông và hệ thống quản trị trong ngành khách sạn cũng như F&B, Shifu có lợi thế về network toàn cầu cho việc đánh giá và lựa chọn đầu bếp.

Dự kiến sau 2 năm kể từ khi chính thức hoạt động, chuỗi nhà hàng Shifu Dimsum House sẽ phát triển đạt con số 30 chi nhánh. Hiện nay, công ty này đã có 4 cửa hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, vốn đầu tư mỗi cửa hàng lên đến 100.000 USD.

>>> Những cặp vợ chồng đại gia Việt "tát Biển Đông cũng cạn"

>>> Chân dung ái nữ kín tiếng của "đại gia điếu cày" Thản Mường Thanh

>>> Đại gia bất động sản Vũ Văn Tiền và “ván bài” HANIC

>>> Vì sao Chủ tịch Hòa Phát chi 270 tỷ đồng mua 10 triệu cổ phiếu?


Minh Minh (Theo Vietnamnet)