Ninh Bình: Suốt nhiều năm liền không có dự án NƠXH nào khởi công

Ninh Bình là một trong số ít những địa phương trên cả nước chưa quy hoạch bố trí quỹ đất và không có dự án nhà ở xã hội (NƠXH) khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Nhiều dự án NƠXH tại Ninh Bình chậm tiến độ hoặc chưa tìm được nhà đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Trường/LĐO)
Nhiều dự án NƠXH tại Ninh Bình chậm tiến độ hoặc chưa tìm được nhà đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Trường/LĐO)

Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình được giao hoàn thành 3.100 căn, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 2.300 căn và giai đoạn 2026 - 2030 là 800 căn.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là xây dựng 2.887 căn và giai đoạn 2026-2030 là 2.686 căn.

Tuy nhiên, theo công bố mới đây, Ninh Bình này là một trong các địa phương trên cả nước chưa quy hoạch bố trí quỹ đất và không có dự án NƠXH khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã quy hoạch 4 khu NƠXH và dịch vụ công nhân với quy mô trên 80ha, bao gồm: Khu NOXH và dịch vụ công nhân KCN Gián Khẩu với quy mô 49,6ha; khu nhà ở và dịch vụ công nhân KCN Tam Điệp II với quy mô 6,89ha; khu dân cư, dịch vụ và khu nhà ở phục vụ công nhân KCN Phúc Sơn và KCN Khánh Phú với quy mô 26,16ha; dự án NOXH cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình có quy mô 1,34ha.

Thực tế cho thấy, đa số các dự án trên đều chậm tiến độ hoặc đang tiến hành thủ tục kêu gọi nhà đầu tư. Dự án Khu nhà ở và dịch vụ công nhân KCN Gián Khẩu được triển khai từ năm 2017, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở khâu GPMB, chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Dự án NƠXH cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong có quy mô 335 căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp được triển khai từ năm 2020, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023. Tuy nhiên, đã quá thời hạn trên, dự án vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Dự án NƠXH thuộc dự án Khu đô thị mới phía Bắc (huyện Hoa Lư) có quy mô bao gồm 434 căn hộ chung cư, được thực hiện từ năm 2019 đến nay, nhưng dự án cũng chỉ dừng lại ở khâu hoàn thành GPMB.

Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong vẫn chỉ là bãi đất trống sau nhiều năm chấp thuận chủ trương. (Ảnh: Nguyễn Trường)
Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Ninh Phong vẫn chỉ là bãi đất trống sau nhiều năm chấp thuận chủ trương. (Ảnh: Nguyễn Trường)

Đại diện một DN xây dựng ở Ninh Bình cho răng, Ninh Bình là tỉnh có diện tích nhỏ, quy mô dân số tại thành thị thấp. Các KCN, CCN nhỏ, chủ yếu là lao động tại chỗ, hoặc lao động đến từ các huyện, thị lân cận trong tỉnh. Do đó, nhu cầu về NƠXH của người dân không lớn, tiềm ẩn rủi ro cho chủ đầu tư.

Trong khi đó, đầu tư làm NƠXH đang gặp nhiều khó khăn nhất là thủ tục, đất đai và xác định đối tượng bán hàng

Cụ thể, đối với việc xây dựng, đầu tư các dự án, Chủ đầu tư dự án NƠXH để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính dẫn đến mất thời gian, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Trong khi đó, theo các DN, ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi là không thực chất.

Ngoài ra, việc chủ đầu tư các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê, chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí.

Về quy định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách NƠXH còn nhiều bất cập. Các đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều này khiến người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện.

Ngoài ra, giá bán, giá cho thuê, mua NƠXH chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên khó thu hút được doanh nghiệp.

Cuối cùng, việc không quy định thời điểm xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, thuê mua NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và việc xác định giá phải được UBND cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí.

Viết Huy

Theo VietnamFinance