Ninh Vân Bay: Nhiều lãnh đạo đồng loạt xin rút khỏi HĐQT, kinh doanh có lãi sau đại dịch

Sau thương vụ Công ty TNHH NVT Holdings mua vào gần 57 triệu cp của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT) vào ngày 05/08, đồng thời 4 cổ đông lớn của NVT đồng loạt thông báo đã thoái gần như toàn bộ vốn khỏi Công ty trong cùng ngày 05/08.

Cụ thể, ngày 2/8, NVT Holdings mua vào 22,58 triệu cổ phiếu NVT, trở thành cổ đông lớn nắm giữ 24,9% vốn. Tiếp đến ngày 5/8, cổ đông mới này tiếp tục gom thêm 56,85 triệu cổ phiếu NVT, nâng lượng nắm giữ lên 79,43 triệu đơn vị, chiếm 87,8% vốn điều lệ.

Các cổ đông lớn lần lượt thoái vốn, lãnh đạo DNP cũng xin rút khỏi HĐQT

Cụ thể, 4 cá nhân gồm ông Nguyễn Đức Toàn, ông Phạm Quốc Khánh, ông Trịnh Kiên và ông Nguyễn Văn Dũng đã bán ra gần 38.8 triệu cp NVT trong ngày 05/08. Chiếu theo giá đóng cửa phiên 05/08 là 15,000 đồng/cp, ước tính 4 vị này đã thu về tổng cộng gần 582 tỷ đồng.

Các cổ đông lớn của NVT lần lượt thoái vốn
Các cổ đông lớn của NVT lần lượt thoái vốn

Cùng phiên giao dịch, Công ty TNHH NVT Holdings mua vào gần 57 triệu cp NVT. Sau phiên giao dịch, NVT Holdings nắm hơn 79 triệu cp, tương đương 87.8% vốn của NVT.

Mới đây, NVT vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường 2022. Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách họp ĐHĐCĐ bất thường là 30/8/2022. Thời gian tổ chức dự kiến trong tháng 9/2022 nhưng nội dung chi tiết cuộc họp sẽ được công bố sau.

Ngoài ra, đính kèm theo nghị quyết là đơn từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT và một thành viên ban kiểm soát. Đó là ông Phạm Thành Thái Lĩnh – thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty đã gửi đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT với lý do thời gian tới có nhiều công việc phải đảm nhận, không có đủ điều kiện tập trung thực hiện nhiệm vụ được cổ đông và HĐQT phân công.

Cùng lý do, ông Nguyễn Hoàng Giang cũng xin rút khỏi vai trò thành viên HĐQT. Ngoài ra, bà Phạm Thị Thu Phương cũng có đơn từ nhiệm chức danh Thành viên Ban kiểm soát kể từ ngày 30/8 vì lý do cá nhân.

Đơn xin đề nghị của lãnh đạo DNP Water xin rút khỏi HĐQT
Đơn xin đề nghị của lãnh đạo DNP Water xin rút khỏi HĐQT

Được biết, ông Lĩnh và ông Giang đều là lãnh đạo cao cấp của DNP Water và gia nhập vào Ninh Vân Bay từ 2019. Theo đó, ông Lĩnh giữ chưc vụ Giám đốc đầu tư từ 2018 đảm nhận nhiệm vụ phát triển hoạt động đầu tư tăng quy mô và vị thế DNP Water trong ngành nước. Ông Giang cũng được đề cử vào HĐQT của DNP Water từ 2018, đồng thời phụ trách ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT.

Ninh Vân Bay tổ chức ĐHĐCĐ bất thường ngay sau thương vụ chuyển nhượng cổ phần lớn. Theo đó, trong tháng 8, Công ty TNHH NVT Holdings đã liên tục mua vào cổ phiếu NVT để trở thành công ty mẹ của công ty bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp này.

Ninh Vân Bay thoát lỗ nhờ phục hồi sau đại dịch

Xét về tình hình kinh doanh của Ninh Vân Bay cho thấy, Kết thúc quý II/2022, Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay ghi nhận doanh thu đạt 95,1 tỷ đồng, tăng đến 141% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp tăng từ mức 10 tỷ đồng trong quý II/2021 lên mức 51 tỷ đồng trong quý II/2022.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Ninh Vân Bay
Báo cáo kết quả kinh doanh của Ninh Vân Bay

Ngoài ra, nhờ vào các khoản lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá, doanh thu tài chính của doanh nghiệp đã tăng mạnh lên 866 triệu đồng, tăng 139% so với con số kỳ trước. Đây cũng là mức lợi nhuận khả quan nhất của Ninh Vân Bay kể từ khi đại dịch Covid bùng phát.

Giải trình kết quả kinh doanh quý II, công ty cho biết lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng mạnh chủ yếu do thời kỳ hoạt động kinh doanh của các công ty con đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước bởi phục hồi của các hoạt động kinh doanh du lịch trong nước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, NVT thu về 166 tỷ đồng từ doanh thu, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 11.6 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của NVT là 1.106 tỷ đồng, chỉ tăng 1,9% so với đầu kỳ. Chủ yếu đến từ mức tăng tài sản dở dang dài hạn và khoản tài sản ngắn hạn khác tăng mạnh.

Tổng tài sản của Ninh Vân Bay đến thời điêm 30/6
Tổng tài sản của Ninh Vân Bay đến thời điêm 30/6

Trong đó, thời điểm cuối kỳ khoản tài sản ngắn hạn khác của công ty là 9 tỷ đồng, cao hơn so với đầu kỳ gần 1,5 lần. Khoản tài sản dở dang dài hạn đạt 93,6 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, trong đó phần lớn đến từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Kết thúc nửa đầu năm 2022, dư nợ phải trả của công ty là 552,3 tỷ đồng, tăng 1,6% so với số đầu kỳ. Trong đó khoản nợ phải trả dài hạn khác là 42,2 tỷ đồng, cao hơn 61,5% so với đầu năm.

Năm 2022, NVT lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 34 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, NVT mới thực hiện 48% chỉ tiêu doanh thu và 34% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Được biết, Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tuấn Phong được thành lập năm 2006. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng với việc đưa vào khai thác, vận hành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao như Six Senses Ninh Vân Bay, Emralda Ninh Bình, Lạc Việt New Tourist City, Six Senses Sai Gon River.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống