NKG 'cài số lùi' mục tiêu lợi nhuận vì 'ngành thép nhiều bất định'
Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025 giảm hơn 21% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng tiêu thụ kỳ vọng chỉ tăng nhẹ.
Mục tiêu tăng trưởng thận trọng
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, thông qua kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ mục tiêu đạt 1,05 triệu tấn thép – nhích nhẹ so với mức thực hiện 1,02 triệu tấn của năm trước. Doanh thu dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế kỳ vọng chỉ còn 440 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với kết quả năm 2024.
Ban lãnh đạo NKG cho biết kế hoạch kinh doanh được xây dựng theo hướng thận trọng, trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu đối mặt với nhiều bất định, đặc biệt là căng thẳng về chính sách thuế tại các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Quang đánh giá năm 2025 là thời điểm “đan xen thách thức và cơ hội” đối với ngành thép nói chung và Nam Kim nói riêng. Trong đó, trọng tâm của chiến lược năm nay là tiếp tục triển khai dự án mở rộng Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ – công trình có tổng vốn đầu tư lên đến 4.500 tỷ đồng – nhằm mở rộng thị phần và nâng cao năng lực sản xuất, hướng đến các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Nam Kim cũng dự báo ngành thép có thể phục hồi trong năm 2025, nhưng thiếu các tín hiệu chắc chắn. Để thích ứng, công ty sẽ đồng bộ nhiều giải pháp gồm tối ưu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, công ty cũng sẽ ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động.
Năm 2024, Nam Kim ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu đạt 20.707 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng – gấp 3 lần so với năm trước và vượt 133% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 453 tỷ đồng, tăng gần 286%. Tuy nhiên, công ty quyết định không chia cổ tức mà phân bổ lợi nhuận vào các quỹ dự trữ (2%), đầu tư phát triển (3%) và khen thưởng – phúc lợi (5%).
Đại hội cũng thông qua kế hoạch phát hành tối đa 4,5 triệu cổ phiếu ESOP năm 2025 với giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn khoảng 16% so với thị giá. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1–2 năm. Đồng thời, cổ đông thống nhất giữ nguyên nhân sự HĐQT cho nhiệm kỳ 2025–2030 và bổ nhiệm bà Trần Thị Tuyết Mai làm Trưởng ban Kiểm soát, thay thế bà Võ Thị Vui.

Tại đại hội, ban lãnh đạo Nam Kim cho biết Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ vẫn bám sát tiến độ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu quý I/2026. Nhà máy sẽ tập trung sản xuất các dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến mở rộng thị phần nội địa trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp.
Công ty kỳ vọng nhà máy sẽ đạt 50–60% công suất vào quý IV/2026 và vận hành tối đa từ năm 2027. Dự án sử dụng công nghệ hoàn toàn mới, khác biệt so với dây chuyền hiện tại, hướng đến các phân khúc cao cấp như linh kiện ô tô, hàng gia dụng, trang trí nội thất…
Ngoài phục vụ thị trường nội địa, Nam Kim cũng đang xúc tiến để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn FDI như Samsung. Theo Chủ tịch Hồ Minh Quang, công ty hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật trong ngành và tự tin đáp ứng tiêu chuẩn nhờ công nghệ và thiết bị tiên tiến của nhà máy mới.
Nguồn vốn triển khai dự án đến từ đợt huy động vừa qua và phần còn lại từ vốn vay ngân hàng. Ban lãnh đạo cho biết đây là bước đi chiến lược nhằm tái định vị công ty trong chuỗi giá trị ngành thép, với trọng tâm là sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Trước tình trạng thép giá rẻ Trung Quốc đổ vào thị trường Việt Nam, Nam Kim khẳng định các sản phẩm tôn mạ hiện đã được áp thuế chống bán phá giá. Điều này giúp giảm áp lực cạnh tranh không lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa.
Về tình hình xuất khẩu sang Mỹ, lãnh đạo NKG cho biết thép hiện chưa nằm trong nhóm bị áp thuế đối ứng 46% nhưng vẫn chịu thuế 25% theo Mục 232. Đáng chú ý, từ tháng 9/2024, Mỹ bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với tôn mạ – sản phẩm chủ lực của Nam Kim. Do đó, hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đã gần như gián đoạn trong hai quý vừa qua.
“Hiện tình hình không thể xấu hơn, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong 3–6 tháng tới,” ông Quang chia sẻ, đồng thời kêu gọi cổ đông kiên nhẫn và giữ sự bình tĩnh trong giai đoạn đầy biến động.
Nam Kim cũng cho biết sẽ đặt mục tiêu chuyển dịch sang các phân khúc ít cạnh tranh nhưng đòi hỏi chất lượng cao, nhắm đến sản phẩm “thị trường cần” với giá thành hợp lý. Đây được xem là chiến lược dài hạn để công ty vượt qua các thách thức ngắn hạn, mở ra dư địa tăng trưởng ổn định trong tương lai.