Nợ cần chú ý tại ACB, Vietcombank tăng theo cấp số lần: Đáng lo ngại?

Dịch Covid-19 bùng phát đang khiến khách hàng ngày càng khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Điều này chứng minh ở những khoản vay quá hạn 10-90 ngày (nợ cần chú ý) tăng vọt.

Nợ cần chú ý  là tiền mà người vay mượn không trả đúng thời hạn quy ước phải trả tiền đã vay mượn cho các tổ chức tín dụng bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi. Khi đã đến hạn thanh toán hợp đồng vay theo như thỏa thuận về thời gian cho vay mà khách hàng không có khả năng thanh toán được tiền lãi và cả gốc thì được xếp vào nhóm nợ quá hạn.

Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) dù chưa bị xếp vào nhóm nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.

Tính đến 30/9/2021, nợ quá hạn tại loạt ‘ông lớn’ ngân hàng bất ngờ tăng vọt theo cấp số lần.

Điển hình tại ACB, nợ cần chú ý tăng gấp 4,2 lần so với đầu năm, lên mức 2.432 tỷ đồng. Tương tự, nợ cần chú ý tại VIB tăng gấp 2,5 lần lên mức 6.279 tỷ đồng. Ngân hàng TPBank cũng ghi nhận nợ cần chú ý gấp 2,1 lần lên mức gần 3.402 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nợ cần chú ý tại “quán quân lợi nhuận” Vietcombank tăng gấp 2,2 lần, lên mức gần 6.278 tỷ đồng. Ngoài ra, tại MBBank cũng tăng 53% lên hơn 3.709 tỷ đồng; tại MSB cũng tăng 32% lên hơn 1.297 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý tại ACB, Vietcombank tăng theo cấp số lần: Đáng lo ngại? - Ảnh 1

Thậm chí, có ngân hàng ghi nhận cả 3 nhóm nợ xấu tăng mạnh. Chẳng hạn như tại VIB nợ dưới tiêu chuẩn tính (nợ nhóm 3) đến 30/9/2021 tăng vọt 133% lên gần 1.319 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 32% lên 1.049 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng nhẹ 2% lên 1.618 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu tại VIB tăng vọt 35% lên hơn 3.986 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý tại ACB, Vietcombank tăng theo cấp số lần: Đáng lo ngại? - Ảnh 2
Chất lượng nợ cho vay. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3.2021 tại VIB).

Tăng ‘ấn tượng’ nhất là trường hợp của ACB, nợ nhóm 3 tăng vọt 201% lên gần 639 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 76% lên gần 724 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 20% lên hơn 1.459 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu của ACB tăng 53% lên hơn 2.822 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý tại ACB, Vietcombank tăng theo cấp số lần: Đáng lo ngại? - Ảnh 3
Chất lượng nợ cho vay. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3.2021 tại ACB.

Ngoài ra, các nhóm nợ xấu tại Vietcombank cũng tăng phi mã. Cụ thể, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4 tăng gấp 14 lần đầu năm, lên gần 3.122 tỷ đồng, tiếp đến nợ nhóm 3 tăng vọt 122 tỷ đồng, lên hơn 1.483 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 45% lên gần 6.279 tỷ đồng. Do đó, tổng nợ xấu tăng gấp đôi đầu năm, ghi nhận gần 10.884 tỷ đồng.

Bên cạnh điểm tối về nợ xấu, bức tranh lợi nhuận tại các ngân hàng trên đều tăng trưởng ấn tượng. Việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, mục tiêu của ngành ngân hàng đặt ra đến cuối năm 2020 là tỷ lệ nội xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3%tổng dư nợ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3% - ở mức 3,81%.

Khi Covid-19 đến trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022. Do đó, ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ