Những thử thách nào đang chờ đợi tân Chủ tịch ngân hàng Vietcombank?

Dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến thách thức lớn về nợ xấu tại Vietcombank. Đặc biệt, sự 'lớn nhanh như thổi' của các ngân hàng tư nhân đang đe dọa 'ngôi vương' lợi nhuận của Vietcombank.

Chân dung tân 'thuyền trưởng' Vietcombank

Ngày 30/8 vừa qua, Hội đồng quản trị ngân hàng Vietcombank đã bầu ông Phạm Quang Dũng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Ông Phạm Quang Dũng bắt đầu sự nghiệp tại Vietcombank từ tháng 8/1994, trải qua nhiều vị trí công tác tại Phòng Đầu tư và Bảo lãnh; Phòng quan hệ Quốc tế; Công ty Cho thuê tài chính. Ông cũng kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như Phó Chánh Văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông; Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý; Phó Tổng Giám đốc; Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.

Trước khi được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Dũng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank từ tháng 11/2014 đến nay.

Những thử thách nào đang chờ đợi tân Chủ tịch ngân hàng Vietcombank? - Ảnh 1

Theo đánh giá của người trong ngành, tân Chủ tịch Vietcombank là gương mặt có 'đủ tầm' để chèo lái con thuyền Vietcombank ở thời điểm hiện tại. Đáng nói, tiếp quản ngân hàng Vietcombank trong giai đoạn này, tân Chủ tịch Phạm Quang Dũng cũng đang đối diện với những bất lợi liên quan đến dịch bệnh kéo dài 2 năm qua khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến sự 'phình to' về nợ xấu.

Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của nhóm các ông lớn ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank,... đang đe dọa 'ngôi vương' lợi nhuận của Vietcombank.

'Ngôi vương' lợi nhuận tại Vietcombank đang bị 'đe dọa'

Từ năm 2015 đến nay (thời điểm ông Nghiêm Xuân Thành làm Chủ tịch Vietcombank và ông Phạm Quang Dũng làm Tổng giám đốc) lợi nhuận của Vietcombank liên tục tăng đột biến từ 6.827 tỷ đồng lên 23.050 tỷ đồng (năm 2020).

Đến năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất tăng trưởng 11%, đạt khoảng 23.580 tỷ đồng và lợi nhuận 2 tỷ USD trong 4 năm tới. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, mục tiêu lợi nhuận 2 tỷ USD và duy trì vị thế 'ngôi vương' tại Vietcombank thực sự là thách thức đối với tân Chủ tịch.

Bởi theo dự báo của các chuyên gia, ngân hàng là ngành chịu ảnh hưởng của Covid-19 sau cùng, những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh có thể kéo dài trong 1-2 năm tới nên các ngân hàng cần phải đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hiện nay, "ông lớn" Vietcombank đang gặp áp lực lớn về việc 'hy sinh' lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tính đến cuối quý 2/2021, Vietcombank đã 'hy sinh' hơn 5.400 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng. Vừa qua, Vietcombank cũng đang triển khai Chính sách giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc từ nay đến hết năm với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm tùy đối tượng khách hàng, với quy mô hỗ trợ lên tới 1.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, sự trưởng thành nhanh chóng của các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng tư nhân cũng là mối 'đe dọa' tới ngôi vị dẫn đầu lợi nhuận tại Vietcombank.

Nếu như năm 2018 - 2019, lợi nhuận tại Techcombank và lợi nhuận tại VPBank cộng lại mới gần bằng Vietcombank thì năm 2020, lợi nhuận tại hai nhà băng này cộng lại (gần 29.000 tỷ đồng) đã vượt qua rất xa lợi nhuận Vietcombank (23.045 tỷ đồng). Thậm chí, nửa đầu năm 2021, Techcombank đang bám sát Vietcombank về lợi nhuận với hơn 11.500 tỷ đồng, trong khi Vietcombank đạt hơn 13.500 tỷ đồng.

Những thử thách nào đang chờ đợi tân Chủ tịch ngân hàng Vietcombank? - Ảnh 2

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietcombank 8,1% so với dự báo trước đó xuống 24.300 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm ngoái).

Trong khi đó, dự phóng lợi nhuận năm 2021 của Techcombank đuổi 'sát nút', ước khoảng 22.300 tỷ đồng.

Nợ xấu tại Vietcombank tiếp tục là thách thức lớn

Lợi nhuận Vietcombank tuy đứng đầu ngành nhưng một yếu tố đặc biệt khác cần phân tích kỹ khi đánh giá lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của ngân hàng là chất lượng tín dụng.

Tính đến cuối tháng 6/2021, nợ xấu tại Vietcombank tăng 31% so với đầu năm, chiếm gần 6.865 tỷ đồng.

Tất cả các nhóm nợ xấu đều tăng mạnh, tăng cao nhất là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 3,4 lần lên mức hơn 757 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 37% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) cũng tăng 20% lên mức gần 5.190 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,62% lên 0,74%.

Chưa hết, nợ cần chú ý tại Vietcombank (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) bất ngờ tăng vọt 102% so với đầu năm, ghi nhận hơn 5.630 tỷ đồng.

Nợ cần chú ý dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.

Đáng nói, con số nợ xấu này được giới chuyên gia nhìn nhận là "chưa được phản ánh đầy đủ" do thực hiện tái cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2021
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2021
Những thử thách nào đang chờ đợi tân Chủ tịch ngân hàng Vietcombank? - Ảnh 3

Thực tế, tính đến 30/6/2021, tuy tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại Vietcombank cao nhất hệ thống với 352% nhưng so với đầu năm, con số này đã giảm đáng kể (đầu năm đạt 370%). Do đó, Vietcombank đang phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.

Về dự phòng rủi ro cho khách hàng, tại thời điểm 30/6/2021, Vietcombank có trích lập hơn 24.000 tỷ đồng. tăng 26% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý, dự phòng cụ thể đạt 17.554 tỷ đồng, tăng 32%. Nó cho thấy, Vietcombank đã trích lập dự phòng rủi ro cụ thể khá mạnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2021    
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2021    
Đặc biệt, các khoản nợ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán tại Vietcombank cũng tương đối lớn. Các khoản nợ này được phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng...

Tuy nằm ở ngoại bảng và chưa được coi là nợ xấu, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp khó khăn sẽ có thể trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ