Nợ phải trả tại MIG chiếm 72% tổng tài sản, dòng tiền kinh doanh 'vơi dần'
6 tháng đầu năm 2021, MIG báo lãi sau thuế tăng 44% đạt hơn 116 tỷ đồng. Song, dòng tiền hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp lại giảm mạnh 91%, nợ phải trả chiếm tới 72% tổng tài sản.
Tổng CTCP Bảo hiểm Quân Đội (HOSE: MIG) mới đây vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021.
Theo đó, riêng quý 2/2021, doanh thu phí bảo hiểm gốc tại MIG tăng 54% so với cùng kỳ 2020, đạt gần 1.013 tỷ đồng. Song, phí nhượng tái bảo hiểm tăng mạnh đến 76%, lên hơn 387 tỷ đồng. Do đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 675 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Doanh thu tăng giúp lãi gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 2/2021 đạt gần 136 tỷ đồng, tương đương tăng 47%.
Bên cạnh đó, lãi gộp từ hoạt động tài chính chủ yếu từ phí ủy thác đầu tư tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 4 tỷ đồng. Do đó, dù chi phí quản lý quý 2/2021 tăng 12%, ghi nhận hơn 104 tỷ đồng nhưng MIG vẫn đạt gần 79 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 53% so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, MIG đạt gần 1.296 tỷ đồng doanh thu kinh doanh bảo hiểm, tương đương tăng 25% so với cùng kỳ và hơn 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 44% so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2021, tổng tài sản của MIG tăng 7% so với đầu năm, đạt hơn 5.930 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu nằm ở đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, với tổng giá trị hơn 3.136 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, nợ phải trả tại MIG chiếm 72% tổng tài sản và gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu, ghi nhận gần 4.291 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự phòng nghiệp vụ hơn 2.641 tỷ đồng và dự phòng phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm hơn 1.810 tỷ đồng.
Với việc nợ phải trả chiếm trên 50% tổng tài sản cho thấy MIG đang phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động. Hơn nữa, nợ phải trả cao gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa là tài sản của MIG được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ càng cao.
Hàng tồn kho tại MIG tính đến cuối kỳ cũng tăng 22% so với đầu năm, lên mức gần 3.107 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 30% lên mức gần 860 tỷ đồng; tài sản ngắn hạn khác tăng 35% ghi nhận hơn 368 tỷ đồng.