Quý 1/2021: BIDV trích hơn 7.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, nợ phải trả gấp 18 lần vốn chủ sở hữu

Thu ngoài lãi quý 1/2021 tăng mạnh, BIDV báo lãi trước thuế tăng 87% đạt 3.396 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nợ phải trả tại BIDV lên mức hơn 1,4 triệu tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 82.263 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 1/2021 với kết quả khả quan.

Trong quý 1/2021, nguồn thu ngoài lãi của BIDV được đẩy mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong khi thu nhập lãi thuần chỉ tăng 18% lên mức 10.830 tỷ đồng thì lãi từ dịch vụ tăng đến 32%  lên đến 1.434 tỷ đồng. Đáng chú ý là lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tại BIDV trong quý 1/2021 gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 451 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác gấp 3 lần, đạt 1.805 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có nguồn thu ngoài lãi sụt giảm như lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tại BIDV giảm 9%, xuống còn 379 tỷ đồng. Thậm chí, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý 1/2021 lỗ gần 331 tỷ đồng.

Quý 1/2021, BIDV chỉ trích lập hơn 7.172 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi do, tương đương tăng 19% so với cùng kỳ 2020. Ngoài ra, chi phí hoạt động trong quý 1/2021 cũng tăng 16% lên mức hơn 4.036 tỷ đồng.

Kết quả, lãi trước thuế tại BIDV tăng 87%, lên mức 3.396 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 88% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.721 tỷ đồng.

Quý 1/2021: BIDV trích hơn 7.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, nợ phải trả gấp 18 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 1

Như vậy, nếu so với kế hoạch cả năm 2021 đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thì kết thúc quý 1/2021, BIDV đã thực hiện được 26%.

Tính đến 31/3/2021, tổng tài sản tại BIDV tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức gần 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 12% xuống còn 10.770 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN tăng mạnh 98% lên mức 91.673 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong quý 1/2021 cho vay khách hàng tại BIDV chỉ tăng nhẹ 2%, lên hơn 1,23 triệu tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi khách hàng xấp xỉ đầu năm đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng; các khoản nợ Chính phủ và NHNN tăng 60% lên mức 27.563 tỷ đồng; tiền gửi của các TCTD khác tăng 70% lên mức 69.279 tỷ đồng;tiền gửi không kỳ hạn tại BIDV cũng giảm nhẹ so với đầu năm, xuống còn 219.418 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 3/2021, nợ phải trả tại BIDV lên mức hơn 1,4 triệu tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 82.263 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại BIDV gấp 18 lần vốn chủ sở hữu.

Quý 1/2021: BIDV trích hơn 7.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, nợ phải trả gấp 18 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 2

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu nội bảng tại BIDV tính đến 31/3/2021 chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm, ghi nhận hơn 21.765 tỷ đồng.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức 16.573 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11% lên mức gần 2.634 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng nhẹ 4% lên mức 2.558 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vẫn giữ ở mức 1,76%.

Quý 1/2021: BIDV trích hơn 7.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, nợ phải trả gấp 18 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 3

Năm 2021, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.

Đáng chú ý, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mới đây, BIDV vừa công bố thông tin về việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT).

Cụ thể, ông Trần Thanh Vân thôi đảm nhiệm vị trí Ủy viên HĐQT ngân hàng để nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/5/2021. 

Sau khi ông Vân thôi nhiệm, HĐQT BIDV còn 10 thành viên gồm Chủ tịch Phan Đức Tú, ông Lê Ngọc Lâm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, bà Phan Thị Chinh, ông Ngô Văn Dũng, ông Yoo, Je Bong, ông Lê Việt Cường (thành viên độc lập), ông Phạm Quang Tùng, ông Trần Xuân Hoàng, ông Lê Kim Hòa.

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ