Nợ xấu có xu hướng tăng, đang ở mức 4,55%

Số liệu Ngân hàng Nhà nước tổng hợp cho thấy đến cuối tháng 9/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tương tự gần bằng mức của cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho hay, vấn đề nợ xấu tăng cao đã được đề cập trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội và đã được đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Thống đốc đánh giá thế nào về tình hình nợ xấu và các giải pháp để kiểm soát nợ xấu. Nếu không giảm được nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra. 

(Ảnh minh họa)  
(Ảnh minh họa)  

Theo bà Hồng, có thể nói rằng trong thời gian vừa qua tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Số liệu Ngân hàng Nhà nước tổng hợp cho thấy đến cuối tháng 9/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%, tương tự gần bằng mức của cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 2% của năm 2022. Đây là một thực tế, bởi vì từ năm 2020 đến nay, trước tình trạng Covid-19 xảy ra tác động rất nghiêm trọng đối với mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội, theo đó doanh nghiệp và người dân rất khó khăn. Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu của mình cho nên rất khó khăn trong khả năng trả nợ, nợ xấu này chính là các khoản nợ của người dân vay của ngân hàng và không trả được cho nên được theo dõi ở bảng cân đối của các tổ chức tín dụng. 

Để kiểm soát nợ xấu trên, Thống đốc cho hay, các tổ chức tín dụng khi cho vay cần phải thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay để đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. 

Đối với các nợ xấu hiện hữu, các tổ chức tín dụng phải tích cực xử lý nợ xấu thông qua như đôn đốc khách hàng trả nợ cũng như có thể thu nợ hoặc là phát mại những tài sản của khoản nợ xấu. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, việc này trong bối cảnh hiện nay cũng đang rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã có khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức VMC hay là các công ty mua, bán nợ có thể tham gia xử lý nợ xấu. 

Đối với trường hợp nợ xấu vẫn tiếp tục tăng cao, bà Hồng đặt ra vấn đề, tại sao ở Việt Nam lãi suất cho vay có khả năng giảm tiếp tục, mặc dù đã giảm đáng kể trong thời gian vừa qua? Nợ xấu có nghĩa là khi khách hàng không trả được nợ, trong khi đó tiền cho vay là tiền huy động của người dân và tổ chức tín dụng vẫn phải trả lãi cho người dân. Với điều kiện như vậy thì rất khó để có thể các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Thống đốc cho biết, mặc dù vậy, trong điều hành thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất nhiều các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vừa là giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn nền kinh tế chịu tác động bởi Covid-19. Cho đến nay hệ thống các tổ chức tín dụng đã dành nguồn lực tài chính của mình giảm khoảng từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên), đặt câu hỏi về tính khả thi của chỉ tiêu tín dụng 15% trong năm 2024, nếu vì chỉ tiêu này mà cung quá lớn tín dụng ra thị trường thì có ảnh hưởng tới nợ xấu và khả năng hấp thụ vốn không? Thống đốc có giải pháp gì để đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15% không để tăng tỷ lệ nợ xấu trong thời gian tới?

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, nợ xấu này ngân hàng khó có thể kiểm soát nếu nguyên nhân của nợ xấu là những yếu tố khách quan và yếu tố từ doanh nghiệp. Còn về bản thân các tổ chức tín dụng thì chúng tôi chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách khi cho vay thì thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng hay cho vay đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thì phải hết sức thận trọng và cân đối nguồn vốn của mình. 

Đối với bản thân các doanh nghiệp và người dân, cần tăng cường các khả năng về tài chính cũng như cơ cấu lại cách thức hoạt động quản trị, đặc biệt là quản trị dòng tiền của doanh nghiệp thì sẽ giúp cho doanh nghiệp, bởi vì trên thực tế có những doanh nghiệp có tiền nhưng quản trị dòng tiền không tốt, có thể họ có rất nhiều tài sản nhưng thanh khoản để trả cho một khoản vay có khi vào thời điểm đấy lại không, cho nên về phía doanh nghiệp cần có những giải pháp như vậy. 

Bình An

Theo Tài chính doanh nghiệp