Ngân hàng giảm áp lực nợ xấu, chất lượng tài sản phục hồi
Nhiều ngân hàng có đánh giá tích cực về kế hoạch lợi nhuận năm 2024 khi chất lượng tài sản dần phục hồi do tỷ lệ hình thành nợ xấu đang có xu hướng giảm và tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng chạm đỉnh vào giữa quý III/2024 và quý IV/2024.
Áp lực nợ xấu vơi dần
Trong quý III/2024, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong quý III/2024 nhìn chung có sự phục hồi song vẫn phân hóa ở các ngân hàng. Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), sau quý II bùng nổ, ngân hàng tập trung vào duy trì tỷ suất lợi nhuận lãi (NIM) thay vì cố gắng mở rộng tín dụng trong quý III/2024.
“Nhu cầu tín dụng ở phân khúc bán lẻ vẫn còn yếu, trong khi doanh nghiệp chủ yếu vay vốn lưu động thay vì đầu tư vào tài sản cố định. Trong thời gian tới, phân khúc khách hàng doanh nghiệp vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính của ACB, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và lớn cùng chuỗi cung ứng của ngân hàng”, đại diện ACB cho biết.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận tổng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2024 đạt 10% tính từ đầu năm với động lực chính đến từ lĩnh vực sản xuất. Cho vay bán lẻ chiếm 44% tổng dư nợ trong quý III/2024, với kế hoạch trong 2 năm tới con số này sẽ đạt 50% tổng dư nợ. Trong ngắn hạn, lĩnh vực sản xuất, công nghệ, tài chính xanh, và xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng chính của BIDV.
Liên quan đến nợ xấu, BIDV cho biết lĩnh vực xây dựng có tỷ lệ nợ xấu là 2% trong Q3/2024. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 06 giảm còn 13.000 tỷ đồng trong Q3/2024 (so với 14.000 tỷ đồng trong Q2/2024), tương đương với 0,68% tổng dư nợ. BIDV dự kiến tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4% trong quý IV/2024.
Trong quý III/2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12% trong quý III/2024, so với hạn mức tín dụng được NHNN cấp là 18,6%. Tính đến Q3/2024, lĩnh vực bất động sản và cho vay mua nhà là 2 lĩnh vực chính gây nợ xấu cho ngân hàng. Ngoài ra, dù không công bố dư nợ cụ thể đối với Tập đoàn Trung Nam, nhưng MB cho biết Tập đoàn này vẫn đang hoạt động bình thường và đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của mình.
Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đạt 8,75% tính từ đầu năm, được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và FDI vẫn là phân khúc cho vay chính của ngân hàng trong quý III/2024. Ngoài ra, ngân hàng cũng cho biết dư nợ cho vay đối với các dự án BOT và tài chính xanh lần lượt dưới 2% và 2,5% tổng dư nợ trong quý III.
Đối với chất lượng tài sản, CTG đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% trong quý III/2024. Nợ tái cơ cấu chiếm 1,5% tổng dư nợ, đặc biệt từ những lĩnh vực bất động sản, xây dựng, và dịch vụ.
Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết trong 3 quý năm 2024, ngân hàng ưu tiên cho vay khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, thương mại và các doanh nghiệp FDI. Để quản lý rủi ro của phân khúc bán lẻ, Vietcombank đã dần chuyển từ cho vay mua nhà sang cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh, và chủ động giảm tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo.
Không giống như những ngân hàng khác, phân khúc bán lẻ là phân khúc có ít nợ xấu nhất của Vietcombank. Mặc khác, nợ xấu từ phân khúc doanh nghiệp chủ yếu đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các doanh nghiệp lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau (dầu khí, xây dựng và bất động sản, dịch vụ, và vật liệu).
Về phía Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng đạt 18-20% cho năm 2024. Đối với thị trường bất động sản, Techcombank nhận thấy sự phục hồi đáng kể ở miền Bắc, trong khi tốc độ phục hồi ở thị trường miền Nam vẫn còn chậm. Ngân hàng kỳ vọng nửa cuối năm 2025 sẽ là giai đoạn phù hợp để thị trường bất động sản phục hồi. Tỷ lệ nợ xấu năm 2024 ước tính đạt khoảng 1,3%-1,4%, với khách hàng bán lẻ chiếm phần lớn tổng nợ xấu.
NIM có xu hướng trái chiều
Mặc dù các ngân hàng tham dự đều cho rằng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu tín dụng phục hồi, tuy nhiên vẫn có các quan điểm khác nhau về xu hướng Tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM) trong thời gian tới.
Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, NIM được kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ so với nửa đầu năm, trong khi NIM ở các ngân hàng thương mại tư nhân có thể sẽ giảm nhẹ do cạnh tranh về lãi suất cho vay.
Cụ thể, theo ACB, NIM trong nửa cuối năm có thể giảm so với nửa đầu năm do lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay khó có thể tăng tướng ứng.
Trong khi đó, BIDV nhận định trong nửa cuối năm 2024, NIM dự kiến sẽ tăng nhờ tín dụng phục hồi và tối ưu hóa tài sản. Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi phục hồi mạnh mẽ bao gồm thu nhập từ phí dịch vụ và các khoản thu từ nợ đã xử lý. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, NIM của BIDV giảm do tăng trưởng tín dụng chậm nên phần nào ảnh hưởng thu nhập lãi và ngân hàng tích cực hỗ trợ khách hàng với các gói giảm và ưu đãi lãi suất.
VP Bank cũng cho rằng NIM có khả năng sẽ chịu áp lực trong nửa cuối năm 2024, nhưng nhìn chung NIM vẫn sẽ cải thiện so với năm 2023.
Vietcombank kỳ vọng NIM sẽ đạt khoảng 3,2% trong năm 2024. Ngân hàng dự kiến sẽ chuyển dần sang phân khúc bán lẻ trong Q4/2024 và tập trung giải ngân các khoản vay trung và dài hạn để hỗ trợ NIM.
Tại Hội thảo Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam do GS & SSI tổ chức năm 2024, các ngân hàng còn đề cập đến vấn đề tăng vốn và ngân hàng “0 đồng”. Cụ thể, Vietcombank cho biết ngân hàng sẽ xin Quốc hội phê duyệt tăng vốn điều lệ trong tháng 10. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tổ chức (tương đương với 1,3 tỷ USD), dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2025 nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Trong khi đó, MB cho biết đang chờ phê duyệt chính thức từ Ngân hàng Nhà nước về việc nhận chuyển giao ngân hàng “0 đồng”. Dự kiến, việc nhận chuyển giao sẽ hoàn thành trong năm 2024.