Nợ xấu giá nào cũng bán, đẩy hết để làm sạch báo cáo
Áp lực từ cuộc đua lợi nhuận và chất lượng tài sản thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh bán tài sản để xử lý nợ xấu. Ngân hàng rao bán nhiều tài sản hi hữu, thuộc dạng khó có ai mua như, quần áo cũ, vườn cây, đàn gà... Nhưng việc thanh lý tài sản để thu hồi nợ không dễ dàng.
Ngân hàng rao bán nhiều tài sản hi hữu
Hoạt động bán đấu giá tài sản đảm bảo, đấu giá khoản nợ để thu hồi vốn liên tục được các ngân hàng đẩy mạnh. Thời gian qua, thị trường chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá nợ hi hữu như “động sản” là vật nuôi, đấu giá cả các khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân, nợ không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản giá trị thấp.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo mời tham gia mua tài sản thanh lý của MSB Chi nhánh Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), với danh mục tài sản gồm 29 thiết bị máy móc, công cụ lao động với mức giá “đồng nát”. Lô tài sản này có tổng trị giá tính theo nguyên giá là hơn 152 triệu đồng. Đáng chú ý, MSB chỉ đưa ra mức giá khởi điểm từ 1,5 triệu đồng cho toàn bộ lô tài sản cần thanh lý.
Tại MSB Lý Thái Tổ (Hà Nội), danh mục 40 loại tài sản gồm máy móc, thiết bị, nội thất văn phòng trị giá xấp xỉ 133 triệu đồng (nguyên giá) đang được MSB mời chào với giá khởi điểm chỉ... 500 nghìn đồng.
Bên cạnh những khoản nợ lớn còn có những khoản nợ vay tiêu dùng chỉ vài chục nghìn đồng cũng được rao bán.
Hồi tháng 11/2022, VietinBank thông báo bán 321 khoản nợ cho vay tiêu dùng với mức giá khởi điểm bằng 90-93% giá trị sổ sách. Trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ chưa đến 13 nghìn đồng, hai khoản nợ có giá trị cao nhất trên 68 triệu đồng.
Hoạt động rao bán nợ vẫn được các ngân hàng thực hiện thường xuyên. Nhưng các ngân hàng thường chỉ rao bán nợ vay có tài sản đảm bảo với giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ thậm chí phải giảm giá nhiều lần nhưng thanh khoản không dễ dàng.
Ngoài những tài sản thường được thế chấp để vay vốn là bất động sản, ôtô, gần đây, nhiều loại tài sản thế chấp thuộc dạng khó có ai mua như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây lâu năm không chăm sóc, đàn gà... cũng xuất hiện trong danh mục thanh lý tài sản để xử lý nợ của nhiều ngân hàng.
Mới đây, VietinBank rao bán khoản nợ gộp hơn 900 tỷ đồng của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương. Tài sản đảm bảo của các công ty này, bao gồm cả đàn gà 3 thế hệ (gà ông bà, bố mẹ, gà con) và trứng gà cũng được mang ra bán đấu giá.
Trước đó, tháng 7/2022, Agribank chi nhánh huyện Lạc Sơn, Hoà Bình tiếp tục bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty CP Cà phê Thái Hoà Hoà Bình sau nhiều lần rao bán bất thành. Tổng diện tích đất lên đến gần 75.000m2 nhưng giá khởi điểm chỉ 3,4 tỷ đồng. Ngoài diện tích đất cực lớn, tài sản đáng kể nhất trên khu đất này là hàng nghìn cây cà phê lâu ngày không được chăm sóc, số cây cà phê còn lại chỉ 30% so với thời điểm thế chấp và đều bị còi cọc, chậm phát triển.
Hay như tại Agribank Chi nhánh Lào Cai II, vào tháng 4/2022, chi nhánh ngân hàng này thông báo bán tài sản thế chấp là lô hàng hóa tồn kho gồm các mặt hàng quần áo, thời trang, gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đều cũ, lỗi mốt … với giá khởi điểm 60 triệu đồng.
Đấu giá khoản nợ là hoạt động nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Tài sản thế chấp cho khoản nợ đa dạng từ đất đai, nhà cửa, máy móc, thậm chí cả hoa màu, gà, vịt... Nhiều người có tâm lý chỉ những khoản nợ lớn và có tài sản đảm bảo. Song ngay cả với khoản nợ tiêu dùng ngân hàng cũng muốn chào bán công khai bởi nhiều đơn vị có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ vẫn có nhu cầu mua.
Chạy đua xử lý nợ xấu
Áp lực từ cuộc đua lợi nhuận và chất lượng tín dụng thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh bán tài sản để xử lý nợ xấu. Nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài những câu chuyện thu hồi nợ thật như đùa nói trên, tình trạng chung mà nhiều ngân hàng vẫn đang phải đối mặt là nợ xấu dù rao bán nhiều lần, giá trị tài sản giảm sâu nhưng vẫn "ế".
Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử, tại MB, trong 9 tháng đầu năm nay, thu từ các khoản nợ đã xử lý chỉ đạt 1.244 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của việc nợ xấu tăng cao do tình hình kinh tế một số lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế phục hồi không đồng đều. Bên cạnh đó, một số những lĩnh vực như chứng khoán hay bất động sản trồi sụt tương đối nhanh, kéo theo tiềm ẩn nợ xấu ngân hàng đã và đang bị tăng lên.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đẩy mạnh phát mại tài sản đảm bảo trong lúc này cũng khó khăn vì tài sản đảm bảo đa phần là bất động sản, trong khi thị trường này đang trầm lắng.
Việc khó phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu kéo theo nợ xấu ngân hàng tăng lên. Theo thống kê của Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), chất lượng tín dụng trong quý III/2022 kém khả quan, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,47%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm và 8 điểm cơ bản theo quý. Các chuyên gia SSI cảnh báo các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.
Còn số liệu Báo cáo tài chính quý III/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của các ngân hàng ở mức gần 129,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với thời điểm đầu năm. Đặc biệt, tổng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tính đến cuối tháng 9/2022 tăng tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72,4 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 55,8% tổng nợ xấu.
Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu gia tăng sau 9 tháng. Như tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%; VietinBank tăng từ 1,3% lên 1,4%; BIDV tăng từ 1% đầu năm lên 1,35%...
Trước áp lực nợ xấu gia tăng do khó khăn của thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản, các ngân hàng phải tăng mạnh "bộ đệm" dự phòng rủi ro tín dụng. Nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu dù tỷ lệ nợ xấu không tăng. Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro trong thời gian tới.