Nơi được ví là 'thung lũng silicon' của Thủ đô vẫn còn hàng trăm ha đất bỏ phí

Khu vực này được quy hoạch với diện tích 1.586ha, quy mô dân số lên đến gần 230.000 người.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998. Khu có diện tích theo quy hoạch là 1.586ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thạch Thất, Quốc Oai, được quy hoạch thành 8 khu chức năng và các khu vực phụ trợ như hồ, vùng đệm, cây xanh.

Quy mô dân số khu công nghệ cao theo dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó thường trú khoảng 99.300 người. Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích đất các nhà đầu tư lấp đầy mới đạt khoảng 240ha. Hiệu quả sử dụng đất chưa đạt yêu cầu.

Ngày 10/10/2023, Chính phủ đã quyết định chuyển giao công tác quản lý Nhà nước khu công nghệ này từ Bộ KH&CN về TP Hà Nội. Đây được xem là bước ngoặt mang tính quyết định nhằm nâng tầm của khu công nghệ cao này.

Lãnh đạo Hà Nội khẳng định, việc chuyển giao khu công nghệ cao Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội quản lý tạo điều kiện thuận lợi để thành phố cụ thể hóa mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Sau khi khu công nghệ cao Hòa Lạc được bàn giao về Hà Nội, cuối tháng 2/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hiện trạng khu công nghệ cao Hòa Lạc
Hiện trạng khu công nghệ cao Hòa Lạc

Trong đó quy định rõ thẩm quyền của Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc trong việc xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt các kế hoạch phát triển khu công nghệ cao; cơ chế thu hút, chính sách ưu đãi đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Ban Quản lý...

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng khu công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024; đồng thời sẽ dành nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng và tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng và phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và giữ vai trò hạt nhân, vùng lõi của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.

Trong buổi làm việc với Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, nguồn nhân lực của Ban quản lý có hạn, vì thế nên chọn việc để làm, tập trung vào những việc trọng điểm. “Làm một việc thành công còn hơn làm nhiều việc nhưng không đạt kết quả cao” - ông Trần Sỹ Thanh nói.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cần chọn mô hình làm việc hiệu quả, phù hợp. Trong bối cảnh chưa hoàn thiện hạ tầng, Ban quản lý phải định ra những việc ngắn hạn cần làm ngay phục vụ cho sự phát triển của khu công nghệ. Điển hình như xây dựng tuyến xe bus, Ban quản lý nên nghiên cứu có chính sách trợ giá để phục vụ những người thực sự có nhu cầu đi lại.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận; đô thị hóa, đặt tên các đường trong khu công nghệ cao…

Hòa Lạc vốn là cái tên “hot” trên thị trường địa ốc. Tại các mặt báo đầu tư cái tên Hòa Lạc luôn là tâm điểm được đề cập đến. Bởi tập trung rất nhiều dự án trọng điểm quốc gia, các khu công nghiệp có vốn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước, các thương vụ đầu tư đất nền, khu đô thị,… Đó cũng là một trong những lý do khiến khu công nghệ cao Hòa Lạc được ví như “thung lũng silicon” của Hà Nội.

Phương Hà

Theo Chất lượng và cuộc sống