Nỗi lo suy thoái 'kích hoạt' bán tháo cuối năm, Phố Wall giảm 2 tuần liên tiếp
Các chỉ số chính đã giảm trong phiên giao dịch cuối tuần (16/12) và đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp của chứng khoán Mỹ. Việc Cục Dự trữ Liên bang báo hiệu chương trình thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục kéo dài đã khiến nhà đầu tư lo ngại về suy thoái và dẫn tới một cuộc bán tháo vào cuối năm.
Kết phiên giao dịch ngày thứ Sáu (16/12), chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones mất 281,76 điểm, tương đương 0,85%, xuống 32.920,46. S&P 500 giảm 1,11% xuống 3.852,36. Ở mức thấp nhất trong phiên, chỉ số Dow đã giảm tới 547,63 điểm, trước khi tăng bù lỗ trong những giờ giao dịch cuối cùng.
Trong khi đó, Nasdaq Composite giảm 0,97% xuống 10.705,41.
Các chỉ số ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. S&P 500 đã giảm 2,08% trong tuần và đặt mức lỗ trong tháng 12 ở mức 5,58%, do hy vọng về một đợt phục hồi vào cuối năm đã tan thành mây khói. Chỉ số Dow và Nasdaq lần lượt giảm 1,7% và 2,7%.
Giao dịch chứng khoán đặc biệt biến động vào ngày 16/12 với một lượng lớn quyền chọn hết hạn. Theo Goldman Sachs, có 2.600 tỷ USD quyền chọn chỉ số sắp hết hạn, số tiền cao nhất “so với quy mô của thị trường chứng khoán trong gần hai năm”.
Việc bán tháo diễn ra trên diện rộng, cứ 3 cổ phiếu giảm giá thì mới có 1 mã tăng giá, theo ước tính tại Sở giao dịch chứng khoán New York. Lĩnh vực bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu là những ngành tụt hậu nhiều nhất, lần lượt giảm gần 3% và 1,7%.
Meta Platforms đã tăng 2,82% trong ngày sau khi được JP Morgan nâng cấp cổ phiếu, trong khi Adobe tăng 2,99% sau khi nhà sản xuất Photoshop dự báo lợi nhuận quý đầu tiên cao hơn kỳ vọng.
Exact Science tăng vọt 16,39% sau khi xét nghiệm ung thư của đối thủ Guardant Health không đạt kỳ vọng, trong khi General Motors Co (GM.N) mất 3,91% sau khi đơn vị robotaxi Cruise đối mặt với cuộc điều tra an toàn của cơ quan quản lý an toàn ô tô Mỹ.
Chứng khoán giảm trong tuần này sau khi Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào thứ Tư (14/12) lên mức cao nhất trong 15 năm (4,25 - 4,5%). Ngân hàng trung ương cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm 2023 lên 5,1%, một con số cao hơn so với dự kiến trước đây. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể sớm bị đẩy vào suy thoái và kích hoạt một cuộc bán tháo lớn trong tháng cuối cùng của năm.
Sau khi Fed cập nhật chính sách, chỉ số Dow giảm 142 điểm vào thứ Tư, giảm 764 điểm vào thứ Năm và giảm thêm vào thứ Sáu. Chỉ tính trong 3 phiên gần đây, Dow Jones đã mất hơn 1.100 điểm.
Cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ cũng đang lao dốc trong tháng 12, do lo ngại về suy thoái kinh tế dự kiến và tỷ suất lợi nhuận suy yếu làm giảm sức hấp dẫn của ngành.
Chỉ số ngân hàng S&P 500 (.SPXBK) đã giảm khoảng 11% trong tháng này. Những mã bị ảnh hưởng nặng nề nhất là cổ phiếu của Bank of America, đã giảm 16% trong tháng này. Cổ phiếu của Wells Fargo & Co đã giảm khoảng 14% và của JPMorgan Chase & Co giảm hơn 6%.
Mặc dù cổ phiếu ngân hàng được giao dịch rộng rãi theo S&P 500 trong suốt cả năm, nhưng đà giảm của chúng tăng nhanh trong những tuần gần đây, với chỉ số ngân hàng S&P 500 hiện giảm hơn 24% vào năm 2022. S&P 500 giảm 19% từ đầu năm đến nay, đang trên đà giảm tỷ lệ phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2008.
Walter Todd, giám đốc đầu tư của Greenwood Capital, cho biết: "Hoạt động gần đây của các ngân hàng là bằng chứng cho tôi thấy rằng ngày càng có nhiều lo ngại về triển vọng kinh tế năm 2023".
Lợi suất trái phiếu kho bạc, vốn biến động ngược chiều với giá cả, gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng, báo hiệu rằng những lo ngại về tăng trưởng có thể đang đẩy các nhà đầu tư vào trái phiếu. Những người khác chỉ ra rằng cổ phiếu năng lượng đã giảm khoảng 12% so với mức cao gần đây, như một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư có thể tính đến suy thoái kinh tế.
Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ tìm hiểu thêm về "sức khỏe" của nền kinh tế, thông qua dữ liệu về nhà ở và niềm tin của người tiêu dùng.