Nút giao nghìn tỷ quy tụ 7 nhà thầu chính thức khởi công: Là điểm nối giữa thủ phủ công nghiệp miền Nam tới đầu tàu kinh tế cả nước
Sau khi hoàn thành, nút giao này sẽ mở những điểm nghẽn kết nối thông thương đi các hướng với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, góp phần kích thích phát triển kinh tế…
Ngày 23/4, nút giao thông đường vành đai 3 TP. HCM là nút giao kết nối cửa ngõ tỉnh Bình Dương với đường xa lộ Hà Nội (TP. HCM) đã chính thức khởi công xây dựng.
Đây là nút giao có tên gọi Tân Vạn (gói thầu XL1) là một trong những hạng mục quan trọng của dự án đường Vành đai 3 TP. HCM. Gói thầu XL1 này có giá trị 1.831 tỷ đồng do 7 đơn vị doanh nghiệp liên doanh triển khai xây dựng gồm: CTCP Tập đoàn Đèo Cả; CTCP Xây dựng Đèo Cả; CTCP Xây lắp thương mại Delta; CTCP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam; CTCP Xây dựng và đầu tư 492; CTCP Hải Đăng; Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.050 ngày.
Nút giao Tân Vạn có tổng chiều dài 2,4km thuộc hệ thống đường Vành đai 3 TP. HCM, đây là điểm giao kết nối cửa ngõ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương với TP. HCM - nơi tập trung lượng xe tham gia giao thông tấp nập cả ngày lẫn đêm. Theo đó, các nhà thầu đánh giá đây là nút giao thông khó và phức tạp nhất đường Vành đai 3.
Sau khi hoàn thành nút giao thông này sẽ mở những điểm nghẽn kết nối thông thương đi các hướng với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, góp phần kích thích phát triển kinh tế và xã hội của khu vực, mở ra cơ hội mới cho việc đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 26,6km; trong đó nút giao Tân Vạn dài 2,4km, đoạn Bình Chuẩn-sông Sài Gòn dài 8,9km, đoạn trùng đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 15,3km. Năm 2024, đoạn qua Bình Dương được bố trí vốn đầu tư cho các dự án thành phần là 3.834,8 tỷ đồng.
Về tổng mức đầu tư đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương dự kiến khoảng 19.280 tỷ đồng; đi qua 3 địa phương (TP. Thủ Dầu Một, Dĩ An và Thuận An), với tổng kinh phí bồi thường trên 13.063 tỷ đồng.
TP. HCM là một trung tâm kinh tế lớn và luôn là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đóng góp tới 22% trong GDP chung của cả nước.
Bình Dương được xem là "thủ phủ công nghiệp" của vùng Đông Nam Bộ nên rất cần phát triển hạ tầng, nhất là giao thông giúp chuyên chở nhanh hàng hóa tới cảng.