NVL bị cắt margin, cổ phiếu nằm sàn, trắng bên mua

Trước thông tin bị cắt margin, cổ phiếu NVL trên thị trường ngay lập tức phản ứng một cách mạnh mẽ khi rơi xuống mức giá sàn, giảm kịch biên độ còn 11.850 đồng/cổ phiếu.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) mới đây đã bổ sung cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Nguyên nhân do Novaland chậm công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2024 đã soát xét quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Trước đó, HoSE đã gửi thông báo nhắc nhở Novaland về việc công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2024 vào ngày 4/9, tuy nhiên phía Novaland không công bố giải trình hay phản hồi về sự chậm trễ này.

Trước thông tin bị cắt margin, cổ phiếu NVL trên thị trường ngay lập tức phản ứng một cách mạnh mẽ khi rơi xuống mức giá sàn, giảm kịch biên độ còn 11.850 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng tăng khá mạnh lên mức hơn 48 triệu đơn vị, gấp 4 lần khối lượng giao dịch trung bình trong 3 tháng gần đây.

Hết phiên sáng, NVL dư bán hơn 2,4 triệu cổ phiếu, trong đó hơn 2,1 triệu cổ phiếu nằm sàn. Đáng nói, cổ phiếu này liên tục ở trong trạng thái trắng bên mua trong suốt phiên sáng.

Diễn biến cổ phiếu NVL từ đầu năm đến nay  
Diễn biến cổ phiếu NVL từ đầu năm đến nay  

Theo quan sát của VietnamFinance, xu hướng giảm của NVL bắt đầu rõ nét từ đầu tháng 4 cho đến nay, sau khi giao dịch ổn định trong vùng giá trên 16.000 – 18.000 đồng/cổ phiếu trong quý I. Từ mức đỉnh 18.300 đồng/cổ phiếu, trong vòng 3 tháng, NVL đã “lao dốc” xuống sát mệnh giá, giảm sâu về mức 11.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 7 và duy trì đến giữa tháng 8.

Chỉ vừa hồi phục nhẹ trong khoảng 2 tuần, NVL đã rơi vào trạng thái bị bán tháo khi cổ phiếu bị cắt margin như đã nêu trên, khiến cổ phiếu lại rơi về vùng giá dưới 12.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá của NVL đã giảm khoảng 29%, từ mức giá 16.700 đồng/cổ phiếu ghi nhận trong phiên đầu năm.

Giới phân tích cho rằng xu hướng giảm của NVL bắt đầu từ giai đoạn tháng 4 khá trùng khớp với thời điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I, với khoản lỗ sau thuế hơn 600 tỷ đồng.

Dù không phải lần đầu báo lỗ, tuy nhiên đây lại là khoản lỗ lớn nhất (theo quý) trong giai đoạn gần đây của Novaland. Trước đó, doanh nghiệp đã ghi nhận lỗ sau thuế hơn 410 tỷ đồng trong quý I/2023 và hơn 200 tỷ đồng trong quý II/2023.

Sang quý II/2024, Novaland đã thay đổi tình hình, báo lãi sau thuế hơn 945 tỷ đồng, dù doanh thu chỉ đạt hơn 1.549 tỷ đồng. Nguyên nhân Novaland lãi lớn trong quý II phần lớn đến từ doanh thu tài chính, đạt 3.951 tỷ đồng, tương đương cao gấp hơn 5 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ lãi từ các hợp đồng hợp tác đầu tư (2.885 tỷ đồng).

Cũng trong quý II, ban lãnh đạo Novaland đã công bố các tin tức tích cực về việc hoàn thành cơ cấu phần lớn các khoản nợ, cũng như ghi nhận những chuyển biến tốt hơn về tình hình tài chính, pháp lý dự án, tiến độ xây dựng và bàn giao.

Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn khá lo lắng khi nhóm cổ đông liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland đang ngày càng giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này tới sát mốc 35%.

Theo đó, chỉ trong vòng 3-4 tháng trở lại đây, Công ty Cổ phần NovaGroup đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Novaland từ 18,36% xuống 17,79%, tương đương bán hơn 11 triệu cổ phiếu NVL. Mới đây, NovaGroup tiếp tục đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu NVL với mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup tại Novaland sẽ giảm xuống còn 17,63%.

Tính đến nay, nhóm cổ đông liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn chỉ nắm giữ tổng cộng chưa tới 39% vốn cổ phần của Novaland, chỉ cách mốc 35% khoảng 4% nữa. Nếu để tỷ lệ sở hữu rơi xuống dưới mốc 35%, nhóm cổ đông này có thể mất quyền phủ quyết các quyết định tại Novaland.

Thu An

Theo VietnamFinance